Xuất hiện thêm một công ty Thái Lan rót hàng nghìn tỷ đồng vào điện mặt trời Việt Nam
Riêng trong năm 2020, Gunkul đã thực hiện các thương vụ thâu tóm giá trị hơn 3.400 tỷ đồng đối với các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Gunkul Engineering (Thái Lan) và công ty con Bright Green Power vừa thông báo việc mua lại dự án điện mặt trời Tân Châu 50 MW (tỉnh Tây Ninh). Khoản đầu tư giá trị hơn 47 triệu USD, tương đương 1.087 tỷ đồng.
Được biết, bên bán là Sungrow Power (Singapore), công ty này sở hữu tới 99,9% cổ phần Năng lượng Tân Châu (chủ đầu tư dự án), gián tiếp thông qua công ty con là INT Energy.
Điện mặt trời Tân Châu vừa mới đi vào vận hành thương mại hồi đầu tháng 10, dự án được hưởng giá FIT 7,09 US cents trong giai đoạn 20 năm.
Theo thông tin từ Gunkul, tại thời điểm 31/8/2020, tổng giá trị tài sản của Tân Châu ghi nhận 794 tỷ đồng. Công ty này sử dụng đòn bẩy cao, nợ dài hạn 628 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 79%. Các cổ đông của Tân Châu góp vốn 169 tỷ đồng, dự án tạm lỗ 166 tỷ đồng.
Gunkul đang có kế hoạch mở rộng hoạt động năng lượng tại thị trường Đông Nam Á, công ty Thái cho rằng đây là ngành kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao, rủi ro từ hoạt động thấp. Mặt khác các dự án có thể đem về cho Gunkul nguồn thu nhập ổn định về lâu dài do đã được đóng điện vào hệ thống.
Việc mua lại các dự án điện mặt trời đã đi vào vận hành thương mại tại Việt Nam dường như là khẩu vị ưa thích của Gunkul. Cách đây hai tuần, công ty Thái đã hoàn thành việc thâu tóm lại CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy, chủ dự án điện mặt trời Phong Điền II 50 MW tại Thừa Thiên Huế. Giá trị giao dịch gần 40 triệu USD, tức 920 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Phong Điền II sẽ vận hành thương mại từ 15/12.
Chủ cũ của Đoàn Sơn Thủy gồm Banglak Green Energy (Thái Lan) nắm 49% và hai cá nhân trong nước (bà Trần Thị Hương Hà nắm 46% và bà Phan Thị Bích Nga nắm 5%).
So với Tân Châu, công ty Đoàn Sơn Thủy có cơ cấu vốn lành mạnh hơn. Tính đến 31/5/2020, 300 tỷ đồng là vốn góp của các cổ đông, tổng tài sản 407 tỷ đồng và chỉ có 108 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.
Mối lương duyên của Gunkul với điện mặt trời của Việt Nam đến từ hai dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1 (tổng công suất 60 MW). Tháng 2/2020, Gunkul bỏ ra 60,6 triệu USD (1.400 tỷ đồng) đổi lấy quyền sở hữu hai dự án này. Cả Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1 đều được vận hành thương mại từ 28/5/2019, hưởng giá mua ưu đãi từ EVN 9,35 US cents trong vòng 20 năm. Bên bán không phải là cái tên xa lạ, Sungrow Power (Singapore).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, công ty năng lượng Thái Lan đã dành tổng cộng hơn 3.400 tỷ đồng cho 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Bản thân Gunkul là một công ty Thái Lan chuyên sản xuất kinh doanh các thiết bị cơ sở hạ tầng ngành điện, họ cũng sản xuất và phân phối điện từ các nguồn tái tạo, và là nhà thầu lắp đặt – xây dựng các dự án.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Gunkul đạt doanh thu thuần khoảng 6,8 tỷ Baht (khoảng hơn 5.200 tỷ đồng), riêng bán điện chiếm khoảng 43%.
Sự xuất hiện của Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1 kể từ đầu năm đã cải thiện đáng kể nguồn thu bán điện từ nước ngoài của Gunkul, tổng doanh thu đạt 874 triệu Baht (672 tỷ đồng), tăng 36% so với cùng kỳ.
Gunkul là công ty tiếp theo nổi lên trong danh sách các doanh nghiệp Thái Lan đổ bộ vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, nơi Chính phủ đang tung các ưu đãi hấp dẫn để kích thích giới đầu tư. Hầu hết các đơn vị sử dụng cách thức thâu tóm lại nhằm tránh vướng phải thủ tục pháp lý cản trở nhà đầu tư ngoại. Một số cái tên khác có thể kể đến như Super Energy, Gulf, B.Grimm…