Xuất khẩu 20 tỷ USD, nông sản, thực phẩm vẫn "lép vế" trên thị trường
Xây dựng thương hiệu là công cụ hết sức cần thiết để phát triển thị trường cho nông sản, thực phẩm Việt Nam.
- 26-09-2016Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đạt 23,3 tỷ USD
- 15-09-2016Nông sản sạch có mã vạch, người tiêu dùng thoải mái kiểm tra nguồn gốc
- 11-09-2016Trung Quốc tăng rào cản với nông sản Việt Nam
Năm 2015, xuất khẩu nông sản, thực phẩm đạt khoảng 20 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường trong nước và cả ở thị trường quốc tế, thực phẩm của Việt Nam thường chịu thua thiệt về giá cả, về sự quan tâm của khách hàng so với các sản phẩm tương tự của nhà cung cấp khác cho dù chất lượng không hề thua kém.
Chính vì vậy việc xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là một trong những yêu cầu được đặt ra tại hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Eu-Mutrap) tổ chức sáng nay (4/10), tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, Nông sản của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại, thị trường mù mờ, nhiều sản phẩm lệ thuộc vào thương lái nước ngoài. Gần đây tuy có xuất khẩu một số trái cây vào thị trường các nước phát triển nhưng nhỏ lẻ, không có sự nhận biết rõ ràng về sản phẩm hoặc thương hiệu.
Chỉ ra những bất cập trên, bà Tâm cho rằng, trong các khâu của chuỗi sản xuất, từ giống, chất lượng, tiêu chuẩn hóa, an toàn vệ sinh, kỹ thuật chế biến, bán hàng... khâu nào cũng có những vấn đề, thậm chí doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết bán hàng, không có thị trường vững chắc, dẫn đến sản xuất không phát triển.
Do vậy, xây dựng thương hiệu là công cụ hết sức cần thiết để phát triển thị trường cho nông sản, thực phẩm Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại phải tham gia chuỗi sản phẩm để cùng sử dụng nguồn tài nguyên và thị trường qua đó có thể tiết giảm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Cùng ý kiến trên, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam có một nguồn thực phẩm đa dạng, phong phú, rất khác biệt với sản phẩm của nhiều nước trong khu vực châu Á và đang được các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thực hiện tích cực tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, ở tầm quốc gia, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo nên sức mạnh chung và làm người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận thức được đầy đủ và đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
"Do các thương hiệu sản phẩm thường được đặt trong những vị thế riêng lẻ nên việc quảng bá sản phẩm thực phẩm Việt Nam tại các thị trường ngoài nước được thực hiện rời rạc, hiệu quả thấp," ông Sơn nói.
Cục Xúc tiến thương mại, CBI và Dự án Eu-MUTRAP đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thực tế cho thấy, khi đánh giá một sản phẩm thực phẩm, khách hàng nước ngoài thường không chỉ xem xét riêng sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó mà còn quan tâm xem xét, đánh giá nó trên nền của ngành thực phẩm của cả quốc qua.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc xác định ngành công nghiệp thực phẩm là một trong những nền tảng cho sự phát triển của Hàn Quốc nói chung và văn hóa nói riêng. Đi kèm với đó là số lượng nhà hàng Hàn Quốc tại nước ngoài đang tăng mạnh, dự đoán sẽ đạt con số 40.000 vào năm 2017.
Không những thế việc phát triển rộng rãi của thực phẩm cũng cải thiện mạnh cơ hội kinh doanh cho các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, nhà hành, du lịch cũng như văn hóa của nước này.
Theo ông Bruno Angelet-Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhưng việc tạo ra giá trị tăng của nhiều mặt hàng nông sản còn thấp.
Trong khi đó, Thương hiệu không chỉ là việc đưa ra một cái tên cho sản phẩm mà cần tổ chức lại hệ thống logistic và kiểm soát được chất lượng của cả chuỗi đó.
"Nhà sản xuất thực phẩm phải xem xét chuỗi cung cụ thể và việc tận dụng thành công các chỉ dẫn địa lý là cách tốt nhất để nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng đó," Đại sứ Bruno Angelet chia sẻ.
Nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam.
Mục đích của chương trình là tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.
"Chương trình là một cấu phần trong Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thể mạnh xuất khẩu và có khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam," thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói về chiến lược thương hiệu thực phẩm.
Vietnam+