Xuất khẩu 400.000 tấn gạo, vừa 'mở' đã hết, doanh nghiệp kêu trời!
Chỉ sau một ngày mở cửa khai báo hải quan, “vèo cái” hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã báo đủ và “khép” cửa. Trừ những doanh nghiệp mừng rỡ vì đẩy được hàng đi, số đông còn lại tỏ ra bức xúc vì không thể làm thủ tục. Hàng hóa tiếp tục tồn đọng, ùn ứ ở cảng, phát sinh hàng loạt chi phí.
- 13-04-2020Người trồng lúa Hậu Giang có thu nhập từ 25-50 triệu đồng/ha
- 13-04-2020Được phép xuất gạo, doanh nghiệp sẽ mua lúa giá cao
- 13-04-2020Máy ATM rút gạo bằng "chân" ở Hà Nội đã hoạt động như thế nào trong 2 ngày?
Theo ghi nhận của Tiền phong, chỉ hơn 1 ngày sau khi có quyết định của Chính phủ và Bộ Công thương, tức sáng 12/4, sản lượng gạo được các doanh nghiệp (DN) mở tờ khai Hải quan đã đạt 399.989 tấn (chỉ thiếu 11 tấn so với hạn ngạch cho phép). Tuy nhiên, sau đó, con số này không thấy cập nhật thêm. Đến ngày 13/4, cổng thông tin của Tổng cục Hải quan báo lỗi, không còn hiển thị sản lượng gạo xuất khẩu (XK).
Việc cho làm thủ tục mở tờ khai hải quan ngay giữa đêm muộn khiến hàng loạt DN không kịp trở tay. Có những DN may mắn làm thủ tục thông quan được 30 container trên tổng số 70 container nằm ở cảng từ sau lệnh tạm dừng XK gạo đến nay.
Thế nhưng, nhiều DN lại cho rằng, Hải quan đã ưu ái cho một số DN như Vinafood 1, Vinafood 2, Intermex…khai báo thông quan số lượng lớn nên vừa khai phát đã hết hạn ngạch.
Đơn cử như phản ánh của ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An: “Công ty Trung An trực khai hải quan trên mạng suốt từ ngày 11 đến 12/4 mà không thông quan được một lô hàng nào. Mới chỉ từ 0h ngày 11/4 đến 3h sáng 12/4 Hải quan đã đóng cửa luôn vì cho rằng các DN XK đã khai đủ 400.000 tấn. Có chăng nhóm lợi ích đã lợi dụng chính sách có hạn ngạch này để trục lợi? Nhóm lợi ích này xuất phát từ việc mở cổng thông tin điện tử khai Hải quan không minh bạch?”
Trao đổi về sự việc này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho Tiền phong biết, mã hàng hóa HS 10.06 được Bộ Công thương cho phép XK dành cho lúa gạo, tức đầy đủ các loại thóc, gạo, không phân biệt nếp, tẻ được đăng ký tờ khai XK, miễn là trong hạn ngạch quy định của Chính phủ và Bộ Công thương. Ông Tuấn cũng khẳng định, việc làm thủ tục Hải quan XK lúa gạo được thực hiện chủ yếu trên hệ thống khai báo điện tử, theo đúng quy định,” không có chuyện lợi ích nhóm ở đây” (!?).
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, đi kèm với hạn ngạch chỉ XK 400.000 tấn gạo trong tháng 4 là điều kiện ai đăng ký trước được xuất trước, ai đăng ký sau xuất sau. Giới chuyên gia nhận định, hình thức này là không phù hợp bởi không có căn cứ nào để giải quyết như vậy khi ngành gạo đã duy trì cơ chế mở.
Trao đổi với Tiền phong, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần tính toán dài hạn hơn, không nên quy định hạn ngạch XK ngắn hạn theo kiểu hiện nay, xem xét từng tháng một.
Bởi theo bà, việc XK theo từng tháng sẽ gây khó khăn cho DN và người nông dân. Chưa kể, người mua – đối tác nước ngoài chưa chắc họ dám ký kết hợp đồng mua gạo tiếp để phòng ngừa rủi ro. Do đó, cần tính toán dài hạn hơn, ít nhất là vài ba tháng, trên cơ sở sản lượng chúng ta có được, lượng gạo vụ Đông Xuân sắp thu hoạch…
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang được mùa lúa, sản lượng gạo tăng. “Tôi đồng ý với đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân gửi Chính phủ nên cho xuất trên 3 triệu tấn gạo bởi theo tính toán kỹ lưỡng của các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được an ninh lương thực. Quyết định chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vì sợ ta thiếu gạo trong thời COVID-19 là chưa hợp lý”, ông Doanh bày tỏ.
Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nên có ý kiến quyết liệt với Chính phủ, Bộ Công thương để xin tiếp tục đươc XK gạo trong thời gian tới. Bởi nếu không được thì giá gạo sẽ giảm, nông dân không còn mặn mà canh tác nữa, năm sau nước ta sẽ không có gạo mà XK.
“Kiểm soát XK gạo trong đại dịch COVID-19 là cần thiết, phòng vệ hợp lý, song phải công khai minh bạch. Sau khi XK 400.000 tấn gạo, kế hoạch tiếp theo là gì? Không thể để hàng ngàn container gạo của DN ùn ứ ở cảng, tốn kém chi phí của họ. Cần có kế hoạch XK dài hạn hơn, tạo thuận lợi cho các DN đăng ký, đảm bảo ai cũng được XK gạo, có trật tự, thứ tự ưu tiên rõ ràng, hợp lý, ông Doanh nhấn mạnh .
Tiền phong