Xuất khẩu cá ngừ giảm 2,4% trong tháng 9, dự báo sẽ tiếp tục giảm những tháng cuối năm
Trong số 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam, có tới hơn một nửa số thị trường có giá trị nhập khẩu thấp hơn so với cùng kỳ.
- 24-10-2019Thanh long “xuống dốc”, nhà vườn lao đao
- 24-10-2019Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu
- 24-10-2019Lý Sơn được mùa hành nhưng giá lại giảm mạnh
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau một thời gian tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã giảm trong tháng 9.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 đạt 53 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 9 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 547 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 39% so với tháng 9/2018. Với tốc độ tăng trưởng này, tỷ trọng thị trường Mỹ trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng đang ngày càng tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia , Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác mã HS16 của Việt Nam, trong đó chủ yếu loin cá ngừ vằn/vây vàng hấp đông lạnh, 9 tháng đầu năm 2019 đang tăng 184% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 32%, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 tăng 51%.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU có xu hướng ngày càng giảm. Riêng trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm hơn 33%. Chính vì vậy, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay vẫn giảm gần 10%, đạt hơn 106 triệu USD.
Tính đến hết tháng 9/2019, 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU đã có sự thay đổi. Tây Ban Nha hiện đang dẫn đầu với tỷ trọng 3,6%, với giá trị nhập khẩu đạt gần 20 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay. Tiếp đến là Italy với tỷ trọng 3% và Hà Lan 2,0%.
Đáng chú ý, trong tháng 9 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang 3 thị trường này đang đồng loạt giảm. Riêng Italy nhờ có sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó, nên tính tổng 9 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy vẫn tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Trong số các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện chỉ có cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô mã HS03 (trừ loin cá ngừ đông lạnh mà HS0304) tăng so với cùng kỳ. Còn lại xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ khác đều giảm.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 9 giảm 24% sau khi tăng trưởng liên tục trong 2 tháng trước đó. Chính vì thế, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm vẫn giảm 4,4% so với cùng kỳ, đạt 37,5 triệu USD.
Sự sụt giảm giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này là do xuất khẩu sang Thái Lan, thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối, giảm. Năm nay, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam sang Thái Lan đang tăng mạnh 122%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giảm 21% so với cùng kỳ.
Trái với xu hướng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN, xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 9 tiếp tục tăng. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đang tăng 19,4% so với tháng 9/2018, Nhờ đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Hầu hết các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất sang Nhật Bản đều đang tăng so với cùng kỳ, trừ loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304. Nếu như năm ngoái, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản, năm nay các mặt hàng cá ngừ chế biến khác đang chiếm ưu thế. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác chiếm tới hơn 46%. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ đóng hộp sang Nhật Bản cũng có xu hướng ngày càng tăng.
Với tình hình này, VASEP dự kiến xuất khẩu cá ngừ những tháng cuối năm 2019 sẽ có khả năng tiếp tục giảm.
Nhịp sống kinh tế