MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cà phê “bắt tay” vượt khó

09-03-2018 - 17:25 PM | Thị trường

Dù đứng thứ hai thế giới về XK, song suốt nhiều năm qua, cà phê Việt lại hầu như chẳng có mấy tiếng tăm trên thị trường quốc tế. Tập trung xây dựng thương hiệu, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế đang được nhìn nhận là giải pháp khả thi giúp ngành này phát triển bền vững.

Lượng tăng, giá giảm

Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, XK cà phê tháng 2 ước đạt 146 nghìn tấn, giá trị đạt 280 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 2 tháng đầu năm ước đạt 347 nghìn tấn và 672 triệu USD, tăng 21,5% về khối lượng và tăng 3,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tính về giá, bình quân giá XK cà phê trong tháng đầu năm chỉ đạt 1.952 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với thị phần lần lượt là 13,4% và 12,2%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dù đứng vị trí thứ hai thế giới, song từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng cà phê, đồng thời giảm XK cà phê nhân, tăng sản lượng cà phê chế biến.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá: Việt Nam chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào. Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê XK tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cà phê Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi ở phần thấp nhất, điểm khởi nguồn không có nhiều giá trị. Nếu có hợp tác đầu tư thì các DN nước ngoài cũng đem máy móc vào sản xuất, XK sản phẩm. Tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm mang thương hiệu cà phê thuần túy của Việt Nam. Tất cả những điều này, ngành cà phê phải để ý, đổi thay nhanh chóng”, ông Lang nói.

Theo ông Lang, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh XK hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm XK cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu cho ngành cà phê hay bất kỳ ngành nào khác là mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong XK nông sản. Cục Xúc tiến thương mại đang chủ trì xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm. Trong đó, cà phê là ngành được ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung. Đây là giải pháp tốt cho phát triển ngành cà phê, giúp khắc phục tình trạng chủ yếu XK cà phê nhân. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&ptnt và Bộ Công Thương.

Hợp tác cùng phát triển

Liên quan tới vấn đề phát triển, gia tăng sức cạnh tranh cho ngành cà phê, một số chuyên gia cho rằng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều phương diện với các quốc gia trồng, XK cà phê lớn trên thế giới cũng là giải pháp quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.

Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác cà phê Indonesia – Việt Nam” mới đây, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia nêu quan điểm: Ngoài Brazil, hiện nay Việt Nam, Indonesia, Colombia là những nước XK cà phê lớn hàng đầu thế giới. Để nâng cao giá trị cà phê, Việt Nam và Indonesia có thể đẩy mạnh kết hợp. Việt Nam có khả năng cung cấp một lượng cà phê lớn với chi phí sản xuất tương đối tốt. Hai bên có thể hỗ trợ, hợp tác thông qua việc, các nhà sản xuất của Việt Nam đầu tư vào Indonesia và ngược lại. Từ đó, hai bên bổ sung, hợp tác trong cả sản xuất cũng như đưa sản phẩm ra tiếp thị trên thị trường thế giới. Khi cùng nhau chia sẻ chi phí, đến một thời điểm nào đó, chi phí sản xuất sẽ thấp hơn.

“Ví dụ cụ thể, trong quá trình trồng cà phê vối, cả Indonesia và Việt Nam có thể cùng chia sẻ chi phí về những rủi ro gây ra bởi khí hậu. Viện nghiên cứu cà phê của Indonesia sẽ đưa ra chiến lược đối phó với những thay đổi của khí hậu nhằm hạn chế tối đa tác động tới ngành cà phê. Ngoài ra, hai nước cũng có thể hỗ trợ nhau trong quá trình thử cà phê nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu thụ cũng như chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cùng nhau đưa sản phẩm cà phê của hai nước thâm nhập thị trường thế giới tốt hơn với một mức giá cạnh tranh”, vị đại diện này nói.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Trở lên trên