Xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch cao nhất lịch sử
Niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% so với niên vụ trước nhờ giá tăng cao.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023/2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước, cùng nguồn cung vụ mới sẽ giảm khoảng 10%, trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng cà phê Brazil sụt giảm nghiêm trọng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thế giới. Đây là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê sẽ được lợi về giá.
Hiện Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê. Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới.
Niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 4,08 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu
Nếu các tỉnh Tây Nguyên là vùng trồng cà phê trọng điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thì ở miền Bắc là tỉnh Sơn La. Ngành cà phê tại tỉnh Sơn La hiện đứng thứ 5 cả nước về sản lượng. Những năm qua, tỉnh này đã tích cực định hướng tư duy sản xuất cho bà con nông dân, hướng đến sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững, đảm bảo nguồn cung chất lượng cao ra thị trường.
Quy hoạch vùng cà phê trọng điểm, đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường quốc tế là những gì các vùng chuyên canh cà phê ở Sơn La đã và đang triển khai. Những người trồng cà phê là trung tâm của sự thay đổi, đồng thời cảm nhận rõ hiệu quả từ sự thay đổi này.
"Chúng tôi được tập huấn qua các lớp tập huấn về cách chăm sóc cây cà phê và cách bón tỉa, cách thu hoạch, không tuốt cành, chỉ hái quả chín. Tuy là mất nhiều thời gian, nhưng mang lại nguồn kinh tế cao, với mình bán ra thị trường đạt được giá cao", chị Lò Thị Yến, xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La, chia sẻ.
"Cà phê Sơn La định hướng theo hướng phát triển bền vững về môi trường, về xã hội và về kinh tế, phải đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, sạch và sản xuất theo hướng hữu cơ", ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La, cho biết.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất, chiếm 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Do vậy, những đòi hỏi của thị trường này cũng là mệnh lệnh đối với vùng sản xuất cà phê của Sơn La.
"Để đáp ứng được yêu cầu của EU trong cái việc chống phá rừng, Sơn La đã từng bước đưa cà phê Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững, chống phá rừng. Hiện nay Sơn La đã có diện tích cà phê có chứng nhận UTZ hay 4C", bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho hay.
Ngành cà phê Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành hàng cà phê trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế hiện nay.
VTV.VN