Xuất khẩu cà phê tăng cả lượng lẫn giá trị
Nửa đầu tháng 1/2018, giá cà phê Robusta và Arabica toàn cầu biến động mạnh trước những thông tin dự báo về cung - cầu thế giới...
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2018 ước đạt 173.438 tấn, đạt 338 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ tăng 7,1% và tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2017 - 2018 dự báo cũng sẽ tăng 1,3% so với niên vụ trước.
Nửa đầu tháng 1/2018, giá cà phê Robusta và Arabica toàn cầu biến động mạnh trước những thông tin dự báo về cung - cầu thế giới. Tính đến ngày 12/1/2018, giá cà phê tăng nhẹ so với cuối tháng trước.
Cụ thể: giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2018 tại New York tăng 0,5% so với 2 tuần trước, đạt 127,6 UScent/pound; giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 3/2018 trên sàn London tăng 0,7% so với 2 tuần trước, đạt 1.724 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá cà phê Robusta tăng 0,8% (13 USD) so với cuối tháng trước, lên 1.644 USD/tấn (FOB, Tp.HCM).
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao (Vicofa), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Intimex Group, cho biết, nhu cầu thị trường hiện đang vững và giá cả tương đối ổn định. Song người dân vẫn trong tình trạng giữ hàng không muốn bán ra, vì bà con kỳ vọng mức giá cao hơn, còn các nhà thương mại nước ngoài đang trong tình thế kinh doanh không có hiệu quả nên cũng không muốn đẩy mạnh giao dịch.
Hiện nay, nguồn hàng từ các nhà máy rang xay có vẻ như đang trong tình trạng thiếu lượng hàng tạm trữ, nên có nhận định "xu hướng thị trường có cơ hội lên giá".
Tuy nhiên, trên thực tế thị trường vẫn còn phụ thuộc vào sàn giao dịch London, nếu sàn này tăng thì giá sẽ tăng. Nhưng sàn London lại không phụ thuộc vào hàng hóa mà lại phụ thuộc vào cách các nhà đầu cơ xử lý theo hướng nào?
Tuy khó khăn là vậy nhưng nhiều chuyên gia cho rằng có thể khẳng định trước mắt thị trường tương đối ổn định, khả năng giá rớt sâu rất ít.
Xuất khẩu cà phê tháng 1/2018 có tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng không cao, vì lượng hàng năm rồi còn khá lớn do xuất khẩu năm rồi giảm mạnh. Quý 4/2017 là quý đầu vụ mới sẽ tạo áp lực lên tháng 1/2018, đến tháng 2, lượng xuất khẩu sẽ giảm mạnh do nghỉ Tết Nguyên đán.
Lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong những ngày Tết sẽ tạo lợi thế về mặt thị trường cho nước ngoài do lượng hàng cung không đủ cầu, khi đó các nhà rang xay bắt buộc đẩy mạnh mua vào, như vậy có khả năng giá sàn giao dịch bật lên.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tồn kho cà phê toàn cầu sẽ giảm 2,76 triệu bao trong niên vụ 2017-2018, tương đương khoảng 29,27 triệu bao, mức thấp nhất kể từ cuối niên vụ 2011-2012. Riêng tồn kho cà phê của Việt Nam đến cuối niên vụ 2017-2018 dự báo giảm 70.000 bao xuống còn 1,11 triệu bao.
Song, USDA vẫn lạc quan về sản lượng cà phê của vụ thu hoạch hiện tại ở Việt Nam, khi nâng dự báo sản lượng thêm 1,3 triệu bao lên kỷ lục 29,9 triệu bao, nhưng trên thực tế chúng ta đánh giá chỉ đạt khoảng 26 - 26,5 triệu bao giảm khoảng 3 triệu bao so với nhận định của USDA.
Năm 2017, xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn đều giảm mạnh so với năm 2016 do nguồn cung trong nước giảm, trừ lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 9,2%. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, khi mùa thu hoạch cà phê bắt đầu, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường đã tăng trở lại như xuất khẩu sang EU, Nga, Algeria và Philippines.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017 lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, giảm 19% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với năm 2016. Năm 2017, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt 2.249 USD/tấn, tăng 20,1% so với năm 2016.
Như vậy, năm 2017, xuất khẩu cà phê giảm mạnh do nguồn cung trong nước giảm khi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng nhờ giá cà phê toàn cầu tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ giảm 2,7% so với năm 2016.
Nhìn chung, những yếu tố tác động làm giảm giá cà phê vẫn còn nhiều. Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) và CommerzBank đều cho rằng, nguồn cung cà phê sẽ khá hơn vào nửa cuối 2018. Việt Nam hiện đẩy mạnh thu hoạch vụ mùa; tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính vẫn cao hơn mức cần thiết khoảng 3-4 triệu bao.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu 2 tháng đầu niên vụ 2017-2018 giảm 11,3% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 17,62 triệu bao. Trong ngắn hạn, giá cà phê khó có thể giảm sâu do lượng cà phê xuất khẩu của hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đã giảm liên tiếp trong mấy tháng qua.
Vneconomy