MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu của ngành công nghệ số năm 2022 đạt 136 tỉ USD

08-12-2022 - 17:15 PM | Kinh tế số

Các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - Ảnh: T. HÀ

Các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - Ảnh: T. HÀ

136 tỉ USD là kết quả xuất khẩu ước tính của lĩnh vực công nghệ số trong năm 2022, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục tăng trưởng và là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm qua. Với số lượng doanh nghiệp trên 70.000, doanh thu của ngành công nghệ số ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 136 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long chia sẻ thông tin này tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 ngày 8-12 tại Hà Nội.

Năm nay, Diễn đàn tổ chức với chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu". Sự kiện được tổ chức với hai điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản và Singapore.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những xu thế chuyển dịch công nghệ của thế giới để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu. Ông Long cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tiếp tục khám phá thị trường trong nước với việc đổi mới cách làm chuyên nghiệp và chất lượng, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để đi ra nước ngoài.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số Việt Nam, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế.

Theo ông Hy, thị trường trong nước còn rất nhiều bài toán để giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ bài toán của Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số. Do đó, Việt Nam cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay xây dựng đất nước.

Xuất khẩu của ngành công nghệ số năm 2022 đạt 136 tỉ USD - Ảnh 1.

Đại diện các doanh nghiệp công nghệ số kiến nghị quốc gia cần có những 'bài toán lớn" về chuyển đổi số cho doanh nghiệp - Ảnh: T.HÀ

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cũng đề xuất: "Quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chúng ta cần đẩy mạnh thương hiệu số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực".

Lãnh đạo Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Chắc chắn công nghệ số sẽ là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải có cái mới, nội dung mới, cách làm mới, xung lực mới. Muốn như vậy, chúng ta phải thay đổi thể chế để thể chế bảo đảm những việc làm mới đấy đúng quy định của pháp luật. Bộ TT&TT sẽ tiếp thu, rà soát, hoàn thiện thể chế của ngành theo chỉ đạo".

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cho biết sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, theo đó sẽ dùng công nghệ số để đào tạo nguồn nhân lực số.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, ban tổ chức đã công bố và trao giải thưởng các sản phẩm công nghệ số Made in Vietnam 2022.

Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo T.Hà

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên