MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dầu thô hơn 3 triệu thùng/ngày, doanh thu tăng thêm cả tỷ USD, nhiều người nghi ngờ Nga 'nói một đằng làm một nẻo'

19-04-2023 - 12:02 PM | Thị trường

Xuất khẩu dầu thô hơn 3 triệu thùng/ngày, doanh thu tăng thêm cả tỷ USD, nhiều người nghi ngờ Nga 'nói một đằng làm một nẻo'

Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô hàng tuần của Nga bằng đường biển đã tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 8 tuần, điều này không phản ánh việc cắt giảm sản lượng mà Nga đã tuyên bố.

Việc xuất khẩu dầu thô của Nga tăng vọt trong tuần trước không phản ánh việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày đang diễn ra và Moscow tuyên bố rằng họ đã cắt giảm sản lượng 700.000 thùng/ngày trong tháng 3.

Trong tuần tính đến ngày 14/4, các lô hàng dầu thô của Nga đã tăng 540.000 thùng/ngày so với tuần trước đó và ở mức 3,43 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các số liệu trung bình trong 4 tuần cũng cho thấy sự gia tăng. Tổng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển tăng 50.000 thùng/ngày lên 3,39 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 14/4.

Xuất khẩu dầu thô hơn 3 triệu thùng/ngày, doanh thu tăng thêm cả tỷ USD, nhiều người nghi ngờ Nga 'nói một đằng làm một nẻo' - Ảnh 1.

Vận chuyển dầu sang châu Á tăng cao trong 4 tuần gần đây.

Kể từ khi EU và G7 tuyên bố sẽ áp đặt lệnh cấm vận và áp giá trần đối với dầu thô nhập khẩu của Nga, hầu hết các chuyến hàng dầu thô của Nga đều hướng đến châu Á. Trong những tuần gần đây, các chuyến hàng đến châu Á đạt trung bình hơn 3 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Mới đây, Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Liên minh giá trần - gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia -  cho biết liên minh này sẽ giữ nguyên mức giá 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga, dù giá dầu thô toàn cầu đang tăng, cũng như một số quốc gia kêu gọi hạ mức giá trần để làm giảm nguồn thu của Nga.

Quan chức trên nêu rõ G7 và Australia đã quyết định duy trì mức giá trên trong những tuần qua sau khi xem xét tình hình.

Quyết định này được đưa ra 4 tuần sau khi giá dầu tăng lên do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng và nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc phục hồi.

Giá dầu thô Nga đã được bán thấp hơn khoảng 30 USD so với dầu Brent, chứng tỏ quyết định áp giá trần đã có hiệu quả trong việc hạn chế nguồn thu của Nga mà vẫn đảm bảo ổn định thị trường năng lượng.

Tuy nhiên, liên minh sẽ vẫn tiếp tục phối hợp để đảm bảo cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả. Cụ thể, các nước sẽ tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn việc né tránh các biện pháp áp giá trần và trừng phạt đối với Nga, như hành vi gian lận để tiếp cận bảo hiểm và các dịch vụ khác đối với sản phẩm dầu mỏ được giao dịch cao hơn mức giá trần.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào tháng 3, doanh thu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 khi xuất khẩu nhiên liệu tăng vọt, mang lại thêm 1 tỷ USD so với tháng trước lên 12,7 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn 43% so với năm ngoái.

Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) và G7 nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển nhằm một mặt siết chặt doanh thu của Moskva từ "vàng đen," một mặt vẫn duy trì dòng chảy nhằm tránh cú sốc nguồn cung toàn cầu.

G7 cũng cấm các công ty cung cấp dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm và tài chính đối với dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ của Nga nếu chúng được bán với giá cao hơn giá trần.

Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên