MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dệt may hụt hơi

Được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do nhưng thực tế, đơn hàng xuất khẩu dệt may lại không như kỳ vọng bởi bị cạnh tranh gay gắt trên nhiều thị trường

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may trong quý II/2016 đã có nhưng không dồi dào và sôi động như dự báo.

Giảm khả năng cạnh tranh

Tại buổi Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp (DN) mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang thừa nhận sau quý I/2016, hàng loạt khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ, EU. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với EU vẫn chưa có hiệu lực.

Không chỉ Myanmar, Lào đang hút đơn hàng dệt may của Việt Nam mà cả Campuchia năm 2015 cũng vượt Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc vào EU (một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam). Theo lý giải của Vitas, do Campuchia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%. Ông Phạm Xuân Hồng nhận định: “Sự trỗi dậy của Campuchia trong lĩnh vực dệt may là điều phải chú ý. Họ đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các DN Việt Nam”.

Nhiều DN dệt may trên địa bàn TP HCM cho biết đơn hàng xuất khẩu vẫn có nhưng có dấu hiệu chững lại.

Khó khăn bủa vây

Do đơn hàng không dồi dào nên DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau, đơn giá xuất khẩu gần như không tăng. Ngược lại, hàng loạt chi phí đầu vào từ lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, thuê đất… đều tăng. Ngay việc Ngân hàng Nhà nước có quy định ngừng cho vay ngắn hạn ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn trong nước cũng khiến chi phí của DN dệt may xuất khẩu tăng thêm.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), DN xuất khẩu dệt may sẽ còn nhiều khó khăn bởi khả năng cạnh tranh giảm so với đối thủ. Cụ thể, năm 2015, hàng loạt nước cùng xuất khẩu dệt may như Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ… phá giá mạnh đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó, tỉ giá USD/VNĐ của Việt Nam chỉ tăng khoảng 5%, gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của ngành dệt may. “Giữa năm ngoái, khi thị trường kỳ vọng lớn về TPP, FTA với EU, Garmex Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 là 1.900 tỉ đồng nhưng từ thực tế, chúng tôi phải giảm xuống khoảng 1.550 tỉ đồng” - ông Lê Quang Hùng bày tỏ.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 27,4 tỉ USD. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may ở mức 6,8 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ, trong khi kỳ vọng trên 10%.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều DN nhỏ và vừa phải đóng cửa do không thể cạnh tranh. “Các chính sách liên quan đến kiểm tra nguyên phụ liệu quá chặt chẽ, 1 m vải nhập về cũng phải kiểm tra mẫu. Có DN, trong quý vừa rồi phải kiểm tra mẫu vải đến 138 lần, quá tốn kém thời gian và chi phí. Hay một DN nhỏ mà mỗi quý phải đón 3-4 đoàn kiểm tra của các ngành thuế, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường” - ông Giang bức xúc.

Quy hoạch ngành dệt may đã lỗi thời

Theo Vitas, Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch đối với ngành dệt may bởi đến nay, quy hoạch này đã lỗi thời. Trước đây, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn ngành xuất khẩu 20 tỉ USD nhưng năm 2015, kim ngạch đã lên đến hơn 27 tỉ USD. Do đó, cần quy hoạch, xây dựng lại chiến lược của ngành dệt may, trong đó gắn với vấn đề quản lý nước thải để ngành phát triển bền vững theo xu thế chung.

Theo Linh Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên