MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu đồ gỗ nội thất tăng mạnh

21-10-2020 - 11:54 AM | Thị trường

Trong 7 tháng đầu năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 3,23 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ...

XUẤT KHẨU GHẾ GỖ, TỦ BẾP TĂNG VỌT

Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ riêng mã hàng đồ gỗ nội thất có code 41000, mỗi năm Hoa Kỳ nhập khẩu từ các nước đến 36-39 tỷ USD. Theo dữ liệu thống kê từ nguồn UNCOMTRADE, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu 228 mặt hàng gỗ này của Trung Quốc vào Mỹ là 20,7 tỷ USD; từ Việt Nam vào Mỹ gần 5 tỷ USD.

Theo Forest trends, tới nay, tổng số có 228 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế mới là 28%. Bên cạnh việc phải chịu các mức thuế mới được áp dụng bởi cuộc chiến thương mại, nhiều mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc cũng đã phải chịu các mức thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) rất cao do Chính phủ Mỹ quy định.

Cụ thể, mặt hàng tủ bếp của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chịu 4 mức từ thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18% kể từ 28/2/2020. Mặt hàng ghế sofa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá với 2 mức từ 4,27% đến 70,71% kể từ 20/12/2004. Mặt hàng gỗ dán gỗ cứng Trung Quốc vốn đang bị Mỹ áp thuế AD/CVD kể từ ngày 04/01/2018 với mức thuế chống bán phá giá (AD) là 183,36% và thuế chống trợ cấp (CVD) là 194,9%.

Ngày 13/4/2020, phía Hoa Kỳ chính thức ra quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tủ bếp của Trung Quốc xuất khẩu sang nước này với mức thuế lên đến 48,5%, thậm chí có một số mặt hàng cùng nguyên liệu bị áp thuế lên đến 293,45%.

Do các mức thuế mới, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 giảm 23% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2018. Theo tính toán của Forest Trends dựa trên nguồn số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ghế sofa (HS 940171) từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, từ gần 1,9 tỷ USD năm 2018 xuống còn gần 1,36 tỉ USD năm 2019, tương đương mức giảm 28%. Tủ bếp (HS 940340) là nhóm mặt hàng quan trọng được Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Giá trị kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này vào Mỹ giảm rất mạnh, từ 13,7 tỷ USD năm 2018 xuống dưới 9,7 tỷ USD năm 2019.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 5,13 tỷ USD. Kim ngạch từ thị trường này chiếm khoảng 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào tất cả các thị trường.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 3,23 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Động lực tăng trưởng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chủ yếu đến từ nhóm hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Trong đó, các mặt hàng có mức tăng trưởng rất cao là: đồ nội thất phòng bếp (mã 940340) tăng 156%, đồ nội thất bằng gỗ khác (mã 9403.60) tăng 25% và bộ phận đồ gỗ (mã 9403.90) tăng 34%.

Các mặt hàng ghế ngồi là nhóm có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Mỗi năm có khoảng 380 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ, bao gồm các sản phẩm ghế sofa hoàn chỉnh (mã 940161) và bộ phận của ghế sofa (mã 940190). Số doanh nghiệp xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ tiếp tục tăng: năm 2019 là 378 doanh nghiệp, thống kê trong 7 tháng năm 2020 là 388 doanh nghiệp.

Tủ bếp (mã 94034000) là một trong nhóm mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào Mỹ từ Việt Nam. Tủ bếp xuất từ Việt Nam còn ở dạng chi tiết bộ phận, được khai báo trong nhóm các mã hàng khác như đồ mộc xây dựng (mã 4418), nội thất bằng gỗ khác (mã 940360) hay bộ phận đồ gỗ (mã 940360).

Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam vào Mỹ đạt 235,9 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ 2019, chiếm 74% trong tổng kim ngạch xuất mặt hàng này cùng kỳ cho tất cả các thị trường. Bình quân mỗi năm có khoảng trên 200 doanh nghiệp xuất khẩu tủ bếp vào Mỹ. Số doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu tủ bếp tiếp tục tăng: năm 2019 là 201 doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2020 là 207 doanh nghiệp.

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG RỦI RO

Tuy nhiên, rủi ro đối với mặt hàng nội thất, đặc biệt những sản phẩm làm từ gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã trở thành hiện thực, đó là vụ kiện gian lận thương mại. Ngày 9/6/2020, phía Hoa Kỳ đã thông báo chính thức điều tra ngành gỗ dán Việt Nam.

Theo cáo buộc của Liên minh thương mại công bằng về gỗ dán cứng Hoa Kỳ, một số công ty xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu là công ty có vốn sở hữu từ Trung Quốc, đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ.

Theo Forest trends, không phải bất cứ doanh nghiệp nào của Trung Quốc có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam tham gia vào xuất khẩu tủ bếp và ghế sofa sang Mỹ đều có hành vi gian lân thương mại. Tuy nhiên, tủ bếp, ghế sofa và các bộ phận của các mặt hàng này đang ẩn chứa các tín hiệu về rủi ro thương mại, đặc biệt trong khâu xuất xứ. Giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, lý do chủ yếu là bởi các mức thuế mới được Chính phủ Mỹ áp cho các mặt hàng này từ Trung Quốc.

Nghiên cứu trường hợp của các công ty của Trung Quốc tham gia vào sản xuất tủ bếp và ghế sofa cho thấy hầu hết các hoạt động sản xuất trong nước (Việt Nam) là rất hạn chế. Các công ty tham gia vào các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu mặt hàng này chỉ tập trung vào 1 mặt hàng duy nhất hoặc các bộ phận của mặt hàng này mà không đa dạng hóa đầu ra của sản phẩm.

Nếu như tới đây, kết luận điều tra của Hoa Kỳ tương đồng với cáo buộc ban đầu, thì các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ gỗ dán của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ gánh chịu hậu quả rất lớn về mức áp thuế. Bài học từ các vụ kiện của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc là minh chứng rõ nhất.

Trước những rủi ro thương mại của ngành gỗ dán, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra một số cơ chế, chính sách quan trọng. Cụ thể, Quyết định 824 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các mặt hàng tiềm ẩn rủi ro, bao gồm mặt hàng gỗ dán được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT RỦI RO

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để kiểm soát được các rủi ro này? Báo cáo của Forest trends và Vifores đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng của Việt Nam một số cơ chế, chính sách và biện pháp. Trước hết, từ nguồn dữ liệu thống kê xuất, nhập khẩu, cơ quan Hải quan phối hợp với thông tin từ doanh nghiệp và các hội sẽ xác định các sản phẩm có dấu hiệu rủi ro. Nguồn thông tin thống kê xuất nhập khẩu từ cơ quan hải quan cho phép xác định được việc gia tăng bất thường trong khâu xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam vào Mỹ, và trong khâu nhập khẩu mặt hàng này, hoặc bộ phận của mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Khuyến cáo Hiệp hội gỗ và lâm sản cần xây dựng mạng lưới thu thập thông tin thông qua các doanh nghiệp và các hiệp hội địa phương. Các doanh nghiệp trong ngành trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng có dấu hiệu gian lận bởi các công ty Trung Quốc (hoặc các công ty của Việt Nam làm thuê cho các công ty Trung Quốc) là nguồn thông tin quan trọng nhất, giúp cho các cơ quan quản lý khu trú được các công ty có các hành vi gian lận.

Vifores và các hiệp hội chế biến gỗ địa phương cần xây dựng các liên kết với các công ty Trung Quốc làm ăn nghiêm túc tại Việt Nam, khai thác và tiếp nhận thông tin từ mạng lưới liên kết này nhằm định vị các công ty có hành vi gian lận. Gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới các công ty của Trung Quốc làm ăn nghiêm túc tại Việt Nam. Kiến nghị cơ quan quản lý thành lập nhóm hành động, với sự tham gia của các bên liên quan, nhằm phát hiện và xử lý vấn đề nhanh và hiệu quả nhất.

Tính phức tạp của các hành vi gian lận thương mại đòi hỏi việc xử lý kịp thời và hiệu quả vượt khỏi phạm vi của cơ quan hải quan. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan khác, bao gồm công thương, thuế, tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.

Theo Chu Khôi

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên