MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu đồ gỗ trong TPP và EVFTA: Còn nhiều rủi ro

Các rủi ro trong quá trịnh xuất khẩu đồ gỗ liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng và quản lý lao động…

"Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (EVFTA)" là chủ đề của buổi tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện hơn 100 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ cùng một số cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại buổi tọa đàm, các báo cáo tham luận tập trung xác định và phân tích những rủi ro chính mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đang gặp phải, trong việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang 3 thị trường là Mỹ, EU và Australia. Cụ thể là các rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng và quản lý lao động, tiếp cận của doanh nghiệp đối với các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các yêu cầu của thị trường xuất khẩu liên quan đến chất lượng lao động, thời gian, độ tuổi, môi trường lao động, tính đại diện của người lao động ngày càng khắt khe. Áp dụng hình thức hợp đồng lao động ngắn hạn có thể gây ra nhiều khó khăn rủi ro cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rủi ro do thiếu thông tin về quy định của thị trường như các Đạo luật về buôn bán gỗ, các quy định về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.

Theo các doanh nghiệp, sắp tới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, để giải quyết những rủi ro này, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Ông Đặng Huy Thành, đại diện Công ty TNHH Tam Phát chuyên xuất khẩu ván ép cho biết, muốn xuất khẩu trước hết các doanh nghiệp cần quan tâm đến các chứng chỉ vì đây là sân chơi quốc tế. Các doanh nghiệp phải có các chứng chỉ quốc tế và nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi khi hội nhập TPP xong, một số nước như Malaysia sẽ sản xuất ra dòng ván ép rẻ hơn hẳn Việt Nam, khi đó sản phẩm cùng loại của Việt Nam sẽ tụt lùi, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Các đại biểu cũng cho rằng, nhằm giảm thiểu rủi ro trong hội nhập, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cần chủ động tham gia thị trường, tìm kiếm và tiếp cận thông tin, đặc biệt là các quy định có liên quan đến các yêu cầu mới của thị trường. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các Hiệp hội gỗ cần cung cấp thông tin, định hướng thị trường, đưa ra cảnh báo sớm về các rủi ro cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đưa ra những chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các cơ chế ưu tiên về đào tạo tay nghề, vốn sản xuất kinh doanh và công nghệ, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của toàn ngành./.

Theo Bảo Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên