MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo 10 tháng thu về 4 tỷ USD

01-11-2023 - 16:17 PM | Thị trường

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo 10 tháng thu về 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo 10 tháng thu về 4 tỷ USD là kết quả kỷ lục sau 14 năm. Ảnh: DNSE

Riêng xuất khẩu gạo trong tháng 10 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Sau 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2009.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy tính đến ngày 27/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn.

Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp các tỉnh miền Tây, điển hình ở vựa lúa gạo An Giang, giá lúa làng nhen (khô) lên 15.000 đồng một kg. Lúa Đài Thơm, nàng hoa tươi lên 9.000 đồng, tăng 1.000 đồng/kg so với vụ trước đó.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa trong dân đang cao kỷ lục đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới. Nguồn cung đáp ứng thấp mà giá lại leo thang khiến nhiều doanh nghiệp Việt không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Văn Việt Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm nay Việt Nam đã tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường. Theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở kịch bản cao nhất, trong năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43 - 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 - 700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023. Dự báo, nhiều khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Như Nhadautu.vn từng đưa tin, kịch bản cao nhất được các chuyên gia đầu ngành đưa ra là nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu vẫn duy trì được mức 800 nghìn tấn/tháng như tháng 9 vừa qua, thì trong 3 tháng cuối năm có thể xuất hơn 2 triệu tấn. Trong quý IV dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng dự báo trong 3 tháng cuối năm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.

Cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước.

Theo Thiên Kỳ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên