MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo, dầu và cà phê giảm mạnh trong tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng khác vẫn "sáng"

31-01-2021 - 20:06 PM | Thị trường

Xuất khẩu gạo, dầu và cà phê giảm mạnh trong tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng khác vẫn "sáng"

Xuất khẩu cà phê của cả nước trong tháng 1/2021 ước tính giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu gạo giảm khoảng 29,5% và dầu giảm khoảng 11,5%.

Thông tin từ Reuters dẫn số liệu của cơ quan thống kê Việt Nam cho biết, xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm trong tháng 1.

Gạo 

Xuất khẩu gạo trong tháng 1/2021 ước tính giảm 29,5% so với tháng 1/2020, chỉ đạt 280.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng này cũng giảm 20,4% xuống 154 triệu USD.

Tình trạng thiếu container rỗng đang ảnh hưởng tới thương mại các loại hàng hóa, trong đó có gạo, đẩy cước phí vận chyển tăng gấp vài lần so với trước đây. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, ngang ngửa với gạo Thái Lan, nguồn cung hiện đang thấp vì gạo vụ cũ đã bán gần hết trong khi gạo vụ mới chưa có nhiều cũng khiến xuất khẩu gạo giảm trong tháng đầu năm.

Năng lượng

Xuất khẩu dầu thô của cả nước trong tháng 1/2021 ước tính giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 356.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu tháng này còn giảm mạnh hơn, giảm 33,9% xuống 135 triệu USD.

Nhập khẩu sản phẩm dầu trong tháng 1/2021 ước tính là 600.000 tấn, giảm mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước tính giảm 62,6% còn 218 triệu USD.

Cà phê

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước ta tháng 1/2021 giảm 17,6% so với một năm trước đây, còn 120.000 tấn, tương đương 2 triệu bao (1 bao = 60 kg).

Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng này cũng giảm tương đương 12,6%, còn 217 triệu USD.

Là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm phản ánh gần như toàn cảnh thị trường cà phê toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 buộc các nhà hàng ở nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa.

Xu hướng giảm xuất khẩu cà phê của nước ta đã có từ năm 2020, khi khối lượng giảm 5,6%, kim ngạch giảm 4,2% dù giá tăng nhẹ 1,4%. Theo đó, xuất khẩu cà phê năm qua đạt 1,57 triệu tấn, tương đương 2,74 tỷ USD với giá trung bình 1.751,2 USD/tấn.

Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam năm 2020 là Đức với 14,3% trong tổng khối lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 223.581 tấn, tương đương 350,41 triệu USD, giá trung bình 1.567 USD/tấn, giảm trên 4% cả về lượng và kim ngạch, nhưng tăng 0,4% về giá. Thị trường đứng thứ 2 là Đông Nam Á với 160.997 tấn, tương đương 328,36 triệu USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 8,6% kim ngạch. Đứng thứ 3 là thị trường Mỹ đạt 142.482 tấn, tương đương 254,89 triệu USD, giảm 2,6% về lượng nhưng tăng 3,2% kim ngạch.

Xuất khẩu tháng 1 vẫn có nhiều điểm sáng

Mặc dù xuất khẩu dầu thô, gạo và cà phê giảm mạnh trong tháng 1/2021, song tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng này vẫn tăng mạnh, ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên tỷ đô gồm điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, theo thông tin từ VnEconomy.

Xuất khẩu gạo, dầu và cà phê giảm mạnh trong tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng khác vẫn sáng - Ảnh 1.

Nguồn: VnEconomy

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021 với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.

Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa trong những tháng tiếp theo sẽ bứt tốc để kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tiếp tục tăng khoảng 4-5% so với năm 2020 như mục tiêu đề ra của ngành Công Thương.

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên