MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo khó về đích

13-12-2016 - 15:07 PM | Thị trường

Theo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn giảm hạn ngạch hoặc áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật chặt chẽ. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo là “đối thủ” của Việt Nam như Thái Lan, Campuchia… đang không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu gạo do bội thu trong vụ thu hoạch này.

Chưa hết khó khăn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2016 ước đạt 353.000 tấn với giá trị đạt 156 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm ước đạt 4,54 triệu tấn, thu về 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ 2015.

Như vậy với tình hình này, xuất khẩu gạo cả năm nay rất khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 5,65 triệu tấn. Điều đáng nói là chỉ tiêu này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) điều chỉnh giảm hồi giữa năm, từ mức 6,5 triệu tấn trước thực tế nhiều loại nông sản sụt giảm về khối lượng và giá trị. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Điều đó cho thấy những khó khăn rất lớn mà ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối diện.

Trong số các thị trường gạo của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất. 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm đến 36% thị phần, đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD, nhưng đã giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ 2015.

Nông dân và cán bộ khuyến nông trên cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng tăng các điều kiện về quy chuẩn cũng như điều kiện kiểm dịch với gạo Việt nhập khẩu chính ngạch. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập gạo Việt Nam loại hạt dài phải mua quota, còn gạo hạt tròn dưới 6mm thì chỉ áp thuế. Tuy nhiên, mới đây, nước này lại bổ sung quy định chiều ngang hạt gạo phải dưới 2mm. Một số loại gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc không đảm bảo được yêu cầu trên nên doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam vừa phải đóng thuế nhập khẩu vừa phải trả phí hạn ngạch.

Một số thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh như Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Mỹ (28,3%), Hồng Kông (Trung Quốc) là 7,7%… Xuất khẩu gạo ít có các hợp đồng mới mà chủ yếu là hợp đồng từ năm 2015.

Gần cuối năm, có một dấu hiệu khá tích cực là việc Philippines đã quyết định nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo của Việt Nam. Trong đó, có 250.000 tấn được nhập khẩu ngay trong năm nay và 250.000 tấn giao cho các doanh nghiệp nước này nhập khẩu. 500.000 tấn sẽ được ký hợp đồng nhập khẩu vào đầu năm sau. Cùng với việc Indonesia nhập khẩu gạo Việt trở lại, Việt Nam có thể “tạm” hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết, diễn biến thị trường lúa gạo năm nay khác với các năm trước. Việc dự báo tín hiệu thị trường gạo thế giới, nhu cầu nhập khẩu tăng - giảm rất khó khăn. Căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn, chưa bao gồm hơn 1 triệu tấn xuất khẩu qua đường mậu biên sang Trung Quốc.

Tăng sức cạnh tranh cho hạt gạo

Nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân. Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và VFA phân tích tình hình xuất khẩu gạo tại các thị trường, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, điểm yếu, hạn chế để có những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo phù hợp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, rà soát tình hình thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, đề xuất giải pháp cụ thể, phân tích rõ các khó khăn vướng mắc tại các thị trường tập trung, tận dụng các khả năng tiếp cận thị trường, thâm nhập vào các thị trường khó tính, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại đã ký kết cũng như tích cực thu mua lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành gạo phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không để một mặt hàng quan trọng như gạo phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nào đó.

Mặt khác, các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, điều quan trọng là phải tái cơ cấu ngành xuất khẩu gạo theo hướng tập trung vào loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo...

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, lâu nay Việt Nam vẫn cố gắng để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để cạnh tranh với gạo Thái Lan và Ấn Độ, xuất khẩu gạo không chỉ tập trung vào việc tìm kiếm thị trường mới mà phải nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng gạo ở những thị trường mà gạo Việt Nam đã có mặt. “Vấn đề ở chỗ phải làm thế nào để gạo chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường”, ông Bích nhận định.

Đồng tình với điều này, chuyên gia nông nghiệp GS Nguyễn Lân Hùng cho biết: Gạo Việt chưa xuất được vào Nhật, trong khi Lào, Campuchia xuất khẩu ít gạo hơn ta nhưng gạo của họ đã vào được thị trường Nhật.

Hiện Bộ NN&PTNT đã thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ lớn như tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay...

Còn đại diện Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa, chế biến theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là những biện pháp lâu dài giúp việc xuất khẩu gạo chuyên nghiệp hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Nguyễn Xuân Cường: Tính toán lại diện tích đất trồng lúa

Sản xuất nông nghiệp trước tiên phải tính tới vấn đề thị trường. Thị trường gạo thế giới hiện nay có nhiều biến động đòi hỏi chúng ta phải có chủ trương, chính sách điều chỉnh phù hợp. Về nhu cầu gạo thế giới, mỗi năm lượng gạo thương mại giao dịch vào khoảng 34-36 triệu tấn/năm, trong khi sức cung ứng toàn cầu rất lớn, gồm nhiều nước như: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ…

Do vậy, có thể khẳng định trong tương lai gần, nguồn cung cho thị trường lớn hơn cầu, đây là bài toán mà Việt Nam phải tính toán. Hơn nữa, Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, trong 7,8 triệu ha đất lúa canh tác phải tính toán lại. Giữ lại diện tích trồng lúa phù hợp với an ninh lương thực và khả năng hàng hóa đảm bảo để có hiệu quả. Tập trung các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt về giống, quy trình canh tác tiết kiệm… để người sản xuất lúa ngày càng hiệu quả hơn.

Chúng tôi đã xin chủ trương của Chính phủ, Quốc hội cũng đồng tình chủ trương tính toán lại diện tích đất lúa, chủ động chuyển sang các lĩnh vực khác hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT: Các bên phải cùng ngồi lại bàn giải pháp

Chúng ta sản xuất rất nhiều lúa gạo, xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp. Trong khi đó, thị trường tăng giảm liên tục, không thống nhất được về tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng nhiều nước tưới, các bên phối hợp chưa tốt. Bên cạnh đó, mặc dù chính sách có nhiều nhưng triển khai khó khăn vì các bên không cùng bàn bạc. Do vậy, các bên trong chuỗi sản xuất gạo phải cùng ngồi lại để bàn giải pháp.

Ông Phan Công Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Công Bình (Long An): Tìm các thị trường ngách

Lượng gạo xuất khẩu của chúng tôi giảm 30 - 40%. Nguyên nhân là do Việt Nam không có các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Các thị trường lớn như: Philippines, Trung Quốc… hạn chế nhập khẩu gạo theo các hợp đồng lớn, cạnh tranh trên thị trường ngày càng quyết liệt hơn. Giải pháp của doanh nghiệp là tìm các thị trường ngách như: châu Âu, châu Phi… những nơi có sự cạnh tranh thấp hơn, đồng thời chế biến sâu, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn lấy thị trường trong nước làm cốt lõi để tồn tại vì không có thị trường trong nước thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang lao đao vì không xuất khẩu được. Với tình cảnh này thì rất khó để tăng xuất khẩu gạo trong năm 2017, các doanh nghiệp phải tự tìm đường đi riêng để tồn tại.

Theo Hữu Vinh - Hoàng Dương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên