MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo lại căng thẳng

08-04-2017 - 18:30 PM | Thị trường

Trong 2 tháng đầu năm 2017, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam nên việc nước này tạm dừng nhập khẩu sẽ gây khó cho ngành lúa gạo

Ngày 6-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Emmanuel Pinol thông báo Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh tạm dừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Nguyên nhân được đưa ra là Philippines dự báo đạt sản lượng gạo thu hoạch trong vụ này là 1 triệu tấn nên ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, ước tính hằng năm, nước này thiếu hụt khoảng 1,8 triệu tấn gạo nhưng sẽ không nhập khẩu trong vụ thu hoạch.

Chưa biết cách ứng phó

Ngày 7-4, trao đổi với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo về vấn đề trên, phần lớn lo lắng về việc tiêu thụ mặt hàng này trong thời gian tới. Bà Trần Thị Kim Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (tỉnh Đồng Nai), chuyên cung ứng gạo cho DN khác xuất sang Philippines - thừa nhận đang chuẩn bị đơn hàng khoảng 20.000 tấn cho thị trường Philippines nên chưa biết ứng phó ra sao nếu nước này ngưng nhập khẩu. “Việt Nam đang thiếu gạo tiêu chuẩn cao cho thị trường khó tính nhưng lại thừa gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ - loại gạo Philippines nhập khẩu. Nếu thị trường này ngưng nhập thì việc tìm đầu ra thay thế là hết sức khó khăn” - bà Nhung phân tích.

Khi giá gạo thế giới có xu hướng giảm thì trong nước lại tăng Ảnh: NGỌC TRINH

Khi giá gạo thế giới có xu hướng giảm thì trong nước lại tăng Ảnh: NGỌC TRINH

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), thị trường Philippines đã thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang cho DN tư nhân đấu thầu hạn ngạch và tăng tự túc lương thực. “Giá gạo thế giới đang có xu hướng giảm nhưng nghịch lý là giá trong nước lại tăng. Điều này khiến gạo Việt Nam kém cạnh tranh, DN không xuất khẩu được thì vụ mùa tới, giá gạo chắc chắn sẽ xuống rất thấp, nông dân bị thiệt” - ông Tuấn dự báo.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, cho biết vẫn liên lạc hằng ngày với đối tác nhập khẩu ở Philippines và được biết nước này gặp thiên tai, đang rất thiếu gạo. Việc Tổng thống Duterte ra lệnh tạm ngưng nhập khẩu gạo từ Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Do thời tiết bất thường nên năng suất vụ lúa đông xuân 2016-2017 ở ĐBSCL không bằng các năm trước. Nông dân cho biết nhiều nơi năng suất giảm tới trên 30%, người trồng lúa lãi ít hoặc hòa vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết vụ lúa đông xuân vừa rồi, ông may mắn lãi 1,5 triệu đồng/công (1.000 m2), cao hơn những hộ xung quanh khoảng 200.000 đồng/công.

Theo ông Lê Thành Tính - thương lái mua lúa tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - giá lúa IR 50404 tươi, thu hoạch bằng máy gặt đập hiện dao động 4.700-4.800 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với tháng trước. Còn giá các loại gạo chất lượng cao cũng lên 5.600-5.900 đồng/kg. “Giá lúa tăng hay giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất khẩu” - ông Tính nói.

Thông tin trái chiều

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2-2017 đạt 426 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2-2017 với 35,9% thị phần. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 với 24,8% thị phần, tương đương 206.600 tấn, kim ngạch 78 triệu USD, tăng 53,7% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Theo các DN, đây là lượng gạo đã xuất theo các hợp đồng ký năm 2016 thông qua DN tư nhân của Philippines; còn năm 2017, Philippines vẫn chưa phân bổ hạn ngạch.

Thị trường Philippines đã có sự sụt giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây. Thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy năm 2015, xuất khẩu gạo sang nước này gần 1,13 triệu tấn, chiếm 17,2% thị phần. Đến năm 2016, Philippines chỉ nhập từ Việt Nam hơn 0,4 triệu tấn gạo, thị phần còn 8,18%. Theo phân tích của VFA, thị trường Philippines cần phải theo dõi thêm trước khi đưa ra nhận định vì tại nước này cũng có những thông tin trái chiều, dù Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) khẳng định cần nhập khẩu ngay 250.000 tấn gạo, trong khi Bộ Nông nghiệp lại cho rằng vụ mùa bội thu nên có thể không cần nhập khẩu gạo. VFA dự báo thời gian giáp hạt (tháng 5 đến tháng 7), Philippines có thể sẽ nhập khẩu gạo trở lại.

Cơ hội tổ chức lại sản xuất

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng việc Philippines tạm ngưng nhập khẩu gạo của Việt Nam là dịp để chúng ta tổ chức lại sản xuất lúa gạo. Nếu cứ để nông dân mạnh ai nấy trồng, thương lái mạnh ai nấy mua, còn DN chỉ biết thương lái mà không quan tâm đến xuất xứ của hạt gạo thì không thể nào đạt được yêu cầu ngày càng cao của nhà nhập khẩu và ngành lúa gạo tiếp tục gặp khó trong tiêu thụ.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, sản xuất lúa gạo phải đi vào chiều sâu, quan tâm đến chất lượng chứ không nên chạy theo diện tích và số vụ như hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị giảm một vụ lúa, không nên làm 3 vụ, thay vào đó là vụ màu hay nuôi cá. “Ai cũng nói nâng cao chất lượng gạo nhưng thực tế thì không ai làm. Đã đến lúc các DN phải thay đổi cách làm để bảo đảm gạo của mình sạch, an toàn. Chất lượng cao không phải là ngon thơm như gạo Thái Lan, Campuchia mà hạt gạo phải đều, trắng trong, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế thì mới an tâm đầu ra cho hạt gạo Việt” - ông Xuân đề xuất.

Theo Ngọc Ánh - Công Tuấn - Ngọc Trinh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên