'Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới để làm gì?'
“Tôi xin nói thật lòng mình!” - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ không dưới ba lần nhấn mạnh như vậy khi ông được mời phát biểu.
- 11-05-2016Xuất khẩu gạo được gần 1 tỷ USD, uống bia hết 1 tỷ lít
- 04-11-2015Việt Nam: Xuất khẩu 3 tỷ USD gạo, uống bia hết… 3 tỷ USD
- 15-10-2015Đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, Việt Nam vẫn chưa có... bộ giống lúa quốc gia
Hội thảo Khoa học - thực tiễn “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập” sáng 28-11 đã "nóng" lên khi nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ phát biểu. Hội thảo do Hội Nông dân Việt Nam và Tạp chí Cộng Sản tổ chức.
Ông Ngọ coi “Khoán 10” là cuộc cách mạng lần thứ hai của nông dân và nhận định: “Nông dân vùng lên đòi làm chủ đất đai, làm chủ sản phẩm… Cuộc tái cơ cấu này thắng lợi vô cùng to lớn. Đất ruộng đủ ăn, xã hội đầy đủ nông sản, nông dân đời sống nâng lên, nở mày nở mặt. Nông dân là chủ thể sáng tạo ra cuộc tái cơ cấu này”.
Từ đó, ông Ngọ cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp phải hướng vào nông dân với mục đích để nông dân có đời sống khá giả hơn. “Tôi về TP.HCM, nơi có nhiều sáng kiến trong nông nghiệp. Nhưng ở Cần Giờ thì tối tăm, lạnh lẽo, lầy lội. Dân tủi thân lắm” - ông Ngọ kể.
Theo ông Ngọ, tái cơ cấu nông nghiệp hay xây dựng nông thôn mới cần phải có điện cho dân, “đường sá đừng lầy lội, trường học đàng hoàng cho các cháu, trạm xá cho người già, nước sạch, môi trường cho mọi nhà, cuối cùng là làng xóm bình yên, vui vẻ. Đây là những điều cần thiết cho nông dân” - ông Ngọ nói.
Là người gắn bó với chương trình nông thôn mới từ rất lâu, ông Ngọ thông tin: “Chúng ta tính toán mỗi xã nông thôn mới ở đồng bằng là 70-80 tỉ đồng, trung du là 120-140 tỉ đồng, miền núi là 200 tỉ đồng. Một vạn xã trung bình là 1 triệu tỉ đồng”.
Sau khi đề cập đến những thành tích của nông thôn mới, ông Ngọ cho rằng công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp cần phải hướng vào nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
“Vị thế xuất khẩu cao mà nông dân nghèo thì cũng không được. Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới để làm cái gì? Phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và xã hội nông thôn. Hãy vì người sản xuất nông nghiệp. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ những yêu cầu chính đáng và công bằng trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp” - ông Ngọ tha thiết.
Ông Ngọ đặt câu hỏi và tự trả lời: “Đất nước "hò hét" công nghiệp hóa nhưng máy cắt cỏ, máy thái chuối, xay đỗ… toàn sáng kiến của nông dân cả. Vậy chúng ta công nghiệp hóa nông nghiệp thế nào? Chúng ta đã làm gì cho nông nghiệp? Phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để đem lại quyền lợi bình đẳng cho người nông dân trong công nghiệp hóa. Thu nhập, chất lượng sống và vị thế chính trị của nông dân phải được nâng lên”.
Tuy vậy, điều ông Ngọ nhấn mạnh nhất lại là niềm tin vào nông dân. “Tôi xin nói thật lòng: Nhiều người còn chưa tin nông dân. Chỉ sợ họ có nhiều đất đai rồi họ lên tư bản; chỉ sợ họ giàu có rồi “thế nọ thế khác”. Hãy có niềm tin vào họ. Phải cụ thể hóa nghị quyết bằng chính sách, mô hình và tiêu chí để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát. Làm chủ mà không biết và giám sát thì chỉ làm chủ hờ” - ông Ngọ thẳng thắn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về nông nghiệp Việt Nam. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước.
“Cần làm rõ sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, chi phí và chất lượng sản phẩm ra sao, thị trường mục tiêu là ở đâu. Làm rõ sản phẩm chủ lực của quốc gia, từng vùng và địa phương có sức cạnh tranh cao, nhu cầu thị trường đủ lớn” - ông Nhân lưu ý.
Pháp luật TPHCM