MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu giảm mạnh 2 tỷ USD, cán cân thương mại bất ngờ đổi chiều thâm hụt

Xuất khẩu giảm mạnh 2 tỷ USD, cán cân thương mại bất ngờ đổi chiều thâm hụt

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,9 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 4 trước đó.

Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 116,8 tỷ USD. Trong đó, 4 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch nửa đầu tháng 5 đạt 13,8 tỷ USD, cao hơn con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD.

Với mức thâm hụt tới gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5, cán cân thương mại Việt Nam đã nhập siêu 350 triệu USD.

Làn sóng Covid-19 quay trở lại đang phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm xuất khẩu ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Đây đều là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm).

Mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ động gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc - đề nghị phối hợp chặt chẽ thực hiện mô hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới đường bộ theo hướng vừa phòng dịch, nhưng vẫn tạo điều kiện cho lưu chuyển hàng hóa thông suốt.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đối tác, các địa phương biên giới theo dõi sát tình hình phòng chống dịch, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Lào, Campuchia, Trung Quốc để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và xử lý, vì an toàn của người dân, vì lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên