Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng mạnh
Trong 8 tháng đầu năm 2019 Mỹ tiếp tục khẳng định vị trí là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam đạt 3,18 tỷ USD, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2018.
- 22-09-2019Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019
- 18-09-2019Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường chính đồng loạt tăng mạnh
- 18-09-2019Giá cà phê trong nước hồi phục theo đà tăng thế giới
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2019 đạt 935,17 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 671,13 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Đài Loan tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc giảm mạnh.
Với tốc độ tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2018, 8 tháng đầu năm 2019 Mỹ tiếp tục khẳng định vị trí là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt 3,18 tỷ USD; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản cũng tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 872,88 triệu USD.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Điều này cho thấy, việc tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã mang lại kết quả tích cực cho ngành gỗ trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng mang lại thuận lợi cho ngành gỗ. Nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã và đang được cải thiện rất lớn. Doanh nghiệp đang thay đổi tư duy quản lý sản xuất lớn theo mô hình chuyên nghiệp dây chuyền. Doanh nghiệp đầu tư công nghệ khá nhanh theo hướng nâng cao năng suất, giảm bớt thâm dụng lao động. Với những thuận lợi có được dự báo ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2019.
Nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Đức và Đài Loan vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, mức thuế nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng khiến giá bán lẻ đồ gỗ nội thất Trung Quốc tại Mỹ tăng. Chính vì thế, các hãng bán lẻ Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia không bị áp mức tăng thuế nhập khẩu như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ... Thị trường bán lẻ đồ gỗ nội thất Mỹ có qui mô lên đến 114 tỷ USD, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Nhịp sống kinh tế