MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lô tôm đầu tiên sang EU theo hiệp định EVFTA

10-09-2020 - 16:55 PM | Thị trường

Lễ xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được Bộ NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp tổ chức ngày 11/9.

Một nguồn tin của PV xác nhận, sự kiện sẽ diễn ra sáng 11/9 tại nhà máy của Công ty TNHH Thông Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Cụ thể, đây là lô tôm nước lợ được XK sang thị trường Hà Lan, một trong các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là lô tôm XK sang EU đầu tiên sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua.

Đại diện Công ty TNHH Thông Thuận cũng xác nhận thông tin trên, song không tiết lộ cụ thể về khối lượng và giá cả của lô hàng XK lần này.

Được biết, việc tổ chức sự kiện này cũng nhằm thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả hiệp định EVFTA, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi về xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp giữa Việt Nam và EU.

Xuất khẩu lô tôm đầu tiên sang EU theo hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: XT

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 13,3% tổng giá trị của XK tôm Việt Nam.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU như tôm mã HS03061100 có mức thuế 12,5% trở về 0%; tôm mã HS03061710 từ mức 20% xuống 0%; tôm mã HS03061791, 03061792, 03061793, 03061799 từ mức 12% cũng xuống 0%.

Sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, tôm mã HS03061794 có thuế suất từ 18% sẽ giảm về 0%. Sau 7 năm, tôm mã HS16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0%.

Sau khi giảm liên tục từ tháng 3-6 năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7 đạt 54,2 triệu USD (tăng 2% so với tháng 7/2019), nửa đầu tháng 8 đạt 29,4 triệu USD (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019) và cả tháng 8 dự kiến tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2019.

Tại thị trường EU, các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của tôm Việt Nam như Thái Lan không được hưởng ưu đãi nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ chịu thuế 4,2%; Indonesia chịu thuế 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.

Dự báo XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của PV, do ảnh hưởng trở lại của dịch COVID-19, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8 giảm so với tháng trước. Dự báo tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL…

Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên