MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lốp tăng trưởng mạnh, cổ phiếu Cao su Đà Nẵng (DRC) trở lại vùng đỉnh sau 5 năm

Xuất khẩu lốp tăng trưởng mạnh, cổ phiếu Cao su Đà Nẵng (DRC) trở lại vùng đỉnh sau 5 năm

Trong 3 tháng đầu năm 2021, DRC đã xuất khẩu tổng 27.000 lốp sang thị trường Mỹ, trong đó sản lượng tháng 3 đạt 15.000 lốp, gấp 2 lần so với tháng 2 và gần 4 lần so với tháng 1.

Phiên giao dịch ngày 17/6, thị giá cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng đã tăng đến 5,5% so với tham chiếu, đóng cửa tại mức 30.800 đồng/cổ phiếu, đánh dấu việc quay trở về vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu được hình thành từ khoảng 5 năm trước, vào tháng 7/2016.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thị giá DRC đã tăng lên gần 40%. Nếu xét với đáy 13.310 đồng/cổ phiểu tại cuối tháng 3/2020, DRC đã leo hơn 130% về giá trị. Thanh khoản những phiên gần đây đều trong ngưỡng 2-3 triệu đơn vị/phiên.

Xuất khẩu lốp tăng trưởng mạnh, cổ phiếu Cao su Đà Nẵng (DRC) trở lại vùng đỉnh sau 5 năm - Ảnh 1.

Lãi quý 1/2021 bật tăng 70% so với cùng kỳ

Xuất phát từ nguyên nhân cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt các ông lớn trong ngành lốp xe buộc phải dịch chuyển nguồn cung ứng sang các quốc gia có lợi thế cạnh tranh về cao su như Việt Nam hay Thái Lan, từ đó mở ra một bức tranh tươi sáng cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành săm lốp, trong đó có Cao su Đà Nẵng.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021 đã được công bố, DRC ghi nhận mức doanh thu thuần 912,3 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ hai loại sản phẩm chính là lốp bias và lốp radial tăng trưởng tích cực ở mức 2 chữ số, lần lượt tăng 27% và 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp đạt 18,2%, tăng mạnh so với mức 14,7% của quý 1/2020, chủ yếu nhờ chi phí khấu hao giảm mạnh khi máy móc của nhà máy Radial giai đoạn 1 đã trích hết khấu hao. Đặc biệt, mặc dù chi phí bán hàng tăng cao bởi tình trạng thiếu hụt container rỗng, lợi nhuận sau thuế thu được của DRC vẫn bật tăng lên mức gần 64 tỷ đồng, tăng trưởng đến hơn 70% so với quý 1/2020.

Trong quý 1, DRC đã thành công trong việc hạ tỷ lệ đòn bẩy, qua đó giảm lỗ tài chính xuống còn 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ đến hơn 21 tỷ đồng, giảm bớt gánh nặng tài chính cho công ty. Việc dự trữ hàng tồn kho nguyên liệu rẻ đã đảm bảo cho công ty có giá vốn thấp, giúp cải thiện lợi nhuận ngắn hạn trong bối cảnh giá cao su thiên nhiên tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021

Cao su Đà Nẵng trong năm 2021 đã đề ra mục tiêu đạt 3.852 tỷ đồng tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, DRC đã hoàn thành được 24% kế hoạch doanh thu thuần và 26,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Kết quả kinh doanh quý 2/2021 được đánh giá sẽ tiếp tục tích cực, với mục tiêu 1.010 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương 128% thực hiện trong cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng, bằng 143% quý 1/2020. Nếu đúng kế hoạch, hết nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đều sẽ đạt hơn 50% mục tiêu cả năm 2021.

Xuất khẩu lốp tăng trưởng mạnh, cổ phiếu Cao su Đà Nẵng (DRC) trở lại vùng đỉnh sau 5 năm - Ảnh 2.

Nâng công suất nhà máy lên mức 1 triệu lốp/năm

Về đầu tư sản xuất, bắt kịp với xu hướng "Radial hóa" – khi mà lốp radial hiện đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4/2021 vừa qua, DRC đã thông qua kế hoạch dự án Radial giai đoạn 3 nhằm nâng công suất nhà máy lên gấp đôi, sản lượng kỳ vọng đạt mức 1 triệu lốp/năm. 

Dự án bắt đầu thực hiện từ quý 4/2021 và hoàn thành trong năm 2024, từ đó hứa hẹn mở ra chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu từ cuối năm 2022. Vốn đầu tư ước tính khoảng 830 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 so với 2 giai đoạn đầu nhờ tận dụng nhà xưởng và thiết bị đã được đầu tư, qua đó sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của DRC.

Có thể thấy, việc mở rộng công suất nhà máy kết hợp với mức sản lượng tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ đảm bảo câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn của Cao su Đà Nẵng.

Với mảng sản xuất lốp bias, theo chia sẻ của ban lãnh đạo DRC, nhu cầu đối với lốp này trên toàn cầu đang giảm dần khiến nguồn cung giảm nhanh hơn lượng cầu giảm. Điều này có lợi cho DRC khi các nhà máy sản xuất lớp bias đã khấu hao hết, giúp giảm chi phí sản xuất; đồng thời công ty sẽ thúc đẩy tăng thị phần xuất khẩu hơn nữa, đặc biệt đối với các nước có cơ sở hạ tầng kém phát triển như Trung Đông, Myanmar và Lào. 

Ngoài ra, DRC đã phát triển và thâm nhập thành công sản phẩm ngách là lốp bias cho mục đích nông nghiệp, được khách hàng trong nước đón nhận rất tích cực.

Xuất khẩu hưởng lợi từ chính sách thuế của các thị trường lớn

Đà tăng trở lại của cổ phiếu DRC giữa lúc thông tin Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá cho các sản phẩm lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 22,3%. Thực tế, những chính sách mới này lại không gây ảnh hưởng đến DRC vì sản phẩm xuất khẩu của công ty là lốp xe tải nặng Radial toàn thép, không có trong danh mục bị áp thuế.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, DRC đã xuất khẩu tổng 27.000 lốp sang thị trường Mỹ, trong đó sản lượng tháng 3 đạt 15.000 lốp, gấp 2 lần so với tháng 2 và gần 4 lần so với tháng 1.

Hiện tại, DRC đang tiếp tục triển khai nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm lốp Radial để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khó tính như Mỹ, với mục tiêu có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu lên 20.000 chiếc/tháng.

Đối với thị trường truyền thống chiếm hơn 60% tỷ trọng là Brazil, sản lượng xuất khẩu của DRC trong quý 1/2021 có sự phục hồi đáng kể, trung bình mỗi tháng tăng khoảng 25%. Đặc biệt, DRC được hưởng lợi với mức thuế nhập khẩu 0% vào Brazil trong khi các đối thủ cạnh tranh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thái Lan hay Trung Quốc phải chịu mức thuế chống bán phá lốp Radial cho xe buýt và xe tải khi xuất khẩu vào thị trường này.

Xuất khẩu lốp tăng trưởng mạnh, cổ phiếu Cao su Đà Nẵng (DRC) trở lại vùng đỉnh sau 5 năm - Ảnh 3.

Rủi ro với biến động giá cao su và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm giá rẻ cùa Trung Quốc

Bên cạnh những triển vọng tươi sáng, Cao Su Đà Nẵng cũng sẽ phải lưu ý đến rủi ro khi nguyên vật liệu chính cho sản xuất săm lốp là các loại cao su bao gồm cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, than đen và các loại hóa chất có thể biến động khó lường theo diễn biến giá dầu thô.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc khi mặt hàng săm lốp giá rẻ này đã và đang liên tục tràn vào Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của DRC là châu Mỹ và châu Á cũng sẽ va chạm với đối thủ lớn nhất chính là mặt hàng săm lốp của Trung Quốc.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên