Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh
Do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực nông, lâm, thủy sản của Việt Nam giảm mạnh khiến kim ngạch toàn ngành trong 3 tháng chỉ đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 28-03-2023Xuất khẩu gạo hướng đến con số 7 triệu tấn đạt kim ngạch 4 tỷ USD
- 23-03-2023Philippines đặt mục tiêu xuất khẩu 54.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc năm 2023 – bằng bao nhiêu so với Việt Nam?
- 23-03-2023Một quốc gia bất ngờ tăng nhập khẩu sắt thép Việt Nam, xuất khẩu tăng 50 lần chỉ trong 2 tháng đầu năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản , của cả nước ước đạt hơn 4,6 tỷ USD (giảm 6,5% so với tháng 3/2022). Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch toàn ngành ước đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kéo lùi sự tăng trưởng của ngành phải kể đến các mặt hàng như cà phê, cao su, chè, hạt tiêu, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói thảm…
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước gồm: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 tỷ USD (tăng 80,1%),...
Trong 3 tháng, Việt Nam cũng chi 9,4 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, giảm 7,2%. Tính đến cuối tháng 3, cả nước xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lớn nhất, với giá trị 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần). Đứng thứ 2 là Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị 936 triệu USD (chiếm 8,4%) và tiếp đến là Hàn Quốc với giá trị đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Bộ NN&PTNT đánh giá hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm mạnh do kinh tế toàn cầu năm 2023 đang tăng trưởng chậm lại; đồng thời ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine và tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của các thị trường lớn.
Trước bối cảnh này, Bộ NN&PTNT cho rằng, để đạt được mục tiêu trong năm 2023, các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực , hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam –Trung Quốc.
Trong kim ngạch xuất khẩu 11,2 tỷ USD trong 3 tháng, nhóm nông sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, giảm 29%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%; đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% và muối đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3%.
tienphong.vn