Xuất khẩu nông sản tăng mạnh, giá lúa gạo Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6/2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
- 14-06-2018Xuất khẩu gạo tăng mạnh
- 07-06-2018Ai cập sẽ nhập khẩu hơn 200.000 tấn gạo trong thời gian tới
- 06-06-2018Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra
Nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo (ước đạt 3,57 triệu tấn và 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ 2017), rau quả (ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017), điều (ước đạt 175,9 nghìn tấn và kim ngạch đạt 1,71 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017), thủy sản (ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Xuất khẩu gạo tăng mạnh trở lại. Ảnh: TTXVN
Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su), Trung Quốc (đối với rau quả, cao su, thủy sản), Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều), Malaysia (đối với gạo, chè), Iraq, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines (đối với gạo), Saudi Arabia (đối với chè), Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu).
Trên thị trường thế giới, giá gạo tại Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu ảm đạm và triển vọng nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do sức mua kém từ châu Phi và Bangladesh . Thị trường đường thế giới đến cuối tháng 6/2018 có xu hướng giảm bởi áp lực tiền tệ và nguồn cung toàn cầu dồi dào. Giá hạt tiêu Ấn Độ giảm do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu yếu. Trong khi đó, giá cà phê tăng do sức mua trên sàn kỳ hạn có sự khởi sắc.
Đối với mặt hàng lúa gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844.000 tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596.000 tấn và 280 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,3% (đạt 844.000 tấn). Các thị trường có mức xuất khẩu tăng, điển hình là Indonesia 596.000 tấn, Iraq 150.000 tấn, Malaysia với 273.000 tấn (gấp 2,51 lần), và Hoa Kỳ với 26.200 tấn (gấp 2,36 lần) so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu các nước xuất khẩu lớn đều giảm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm.
Với ngành hàng chính cà phê, trong tháng 6/2018, xuất khẩu cà phê ước đạt 164.000 tấn với giá trị 314 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,042 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng nhưng giảm 4,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2017.
Đức và Mỹ vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 209 triệu USD (giảm 22,6% so với cùng kỳ 2017) và 174 triệu USD (giảm 26,9% so với cùng kỳ 2017). So với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2018 sang một số thị trường khác tăng mạnh như Indonesia tăng gấp trên 8 lần đạt 102 triệu USD, Nga tăng 76,8% (đạt 84 triệu USD), Philippines tăng 54,1% (đạt 65 triệu USD), Angiêri tăng 10,8% (đạt 64 triệu USD), Nhật Bản tăng 5,8% (đạt 101 triệu USD).
Trong đó, nổi bật là xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng đột biến, do nước này nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá và chất lượng tốt để chế biến cà phê hòa tan, tiêu thụ nội địa, hoặc tái xuất.
Với ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 6/2018 ước đạt 340 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với trước nhưng tăng 25% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 6/2018 ước đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 754 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2017.
Nguồn nhập khẩu chính vẫn là Thái Lan (45,7% lượng nhập khẩu) và Trung Quốc (9,1%). Hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ của nhiều loại quả nhiệt đới, với nguồn cung thuận lợi, giá thu mua một vài loại trái cây có biểu hiện suy giảm.
Ngoài ra, trong tháng 6/2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 33.000 tấn với giá trị 300 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 6 tháng đầu năm ước đạt 176.000 tấn với giá trị 1,41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt là 37,9%, 13,1% và 10,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 732 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 52,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (tăng 63,1%), Đức (tăng 27,7%), Hồng Kông (tăng 23,6%), Trung Quốc (tăng 18,7%), Anh (tăng 18,2%) và Thái Lan (tăng 18,1%).
Gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu tháng 6/2018 ước đạt 740 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt 1,36 tỷ USD (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017); 461,133 triệu USD (tăng 2,5%); 439,163 triệu USD (tăng 3%); 374,194 triệu USD (tăng 49,6%).
Chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của các mặt hàng nông sản chủ lực khá tốt. Một số mặt hàng như rau quả, thủy sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2017.
Một số mặt hàng đang có những dấu hiệu phát triển khởi sắc như gỗ, chè hướng đến chất lượng cao hơn và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó giá trị đồng Đô la Mỹ đang có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường và đặt ra những thách thức cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm 2018.
Đối với một số ngành hàng có những điểm cần lưu ý trong tháng tới. Trong đó, lúa gạo khó giữ giá ở mức cao như giai đoạn đầu năm do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.