Xuất khẩu nông, thủy sản vẫn còn bấp bênh trong 4 tháng đầu năm
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm ở mức hai con số, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản vẫn bấp bênh do biến động cả về giá và lượng.
- 29-03-20173 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 7,6%
- 12-03-2017Xuất khẩu nông lâm thủy sản đang bị cạnh tranh gay gắt
- 30-01-2017Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 giảm 1,4%
Tăng trưởng xuất khẩu trên 15%
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng Tư ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2016. Nâng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sau 4 tháng lên con số khoảng 61,34 tỷ USD (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 ở mức 6,5%.
Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm nhiên liệu và khoáng sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 43,6%. Tiếp theo là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với mức tăng trưởng 15,5% và nhóm nông, thủy sản tăng 12,1%.
Trong đó, một số mặt hàng nhờ sự biến động mạnh về giá đã đóng góp tích cực cho kim ngạch xuất khẩu chung như than đá tăng 80,8%, dầu thô tăng 43,6%, xăng dầu các loại tăng 41,1%, sắt thép các loại tăng 22%, bông, xơ và sợi cho dệt may tăng 7,6%.
Bộ Công Thương cho biết, do biến động không ổn định về giá nên nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản giảm mạnh, đơn cử mặt hàng gạo giảm 8,8%, hạt tiêu giảm 24,3%. Riêng mặt hàng sắn giảm 19,8% về lượng và giảm 1,2% về giá.
"Giá thị trường thế giới đối với hạt tiêu sụt giảm do cung thế giới vượt cầu. Trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo sụt giảm do áp lực cạnh tranh và hàng rào kiểm dịch chất lượng của một số thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Ghana, HongKong," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Sau 4 tháng, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo sau đem về 49,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện chỉ tăng 0,3%.
Theo đánh giá, thị trường châu Á có mức tăng cao nhất, ước đạt 25,4 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường châu Âu tăng 8%, châu Mỹ tăng 7,6%. Riêng thị trường Trung Quốc tăng tới 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 13,7%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô xuất khẩu ước đạt 44,05 tỷ USD tăng 16,1%," thống kê Bộ Công Thương cho biết thêm.
Nhập siêu vượt 2,7 tỷ USD
Cũng theo Bộ Công Thương, sau 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 64,07 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 26,6%. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 7% và nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 21,3%.
Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm nay, lượng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam đã tăng tới 50,4%, tương ứng giá trị khoảng 295 triệu. Trong khi đó, xe có xuất xứ từ Indonesia và Ấn Độ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ giá thấp và phù hợp với phân khúc thu nhập trung bình của người dân.
Theo lý giải của một số đại lý nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, xe nhập khẩu tăng từ các nước ASEAN, thị trường xe nhập khẩu chính về Việt Nam như Thái Lan, Indonesia là do chính sách thuế đã và đang giảm như thuế nhập khẩu (giảm từ 40% xuống còn 30% từ ngày 1/1/2017), thuế tiêu thụ đặc biệt (giảm 5% từ tháng 7/2016 đến 31/12/2017). Điều này đã tác động trực tiếp, dẫn đến giá bán lẻ của mỗi chiếc xe giảm 6-7% so với trước thời điểm giảm thuế.
Như vậy, sau 4 tháng, kim ngạch nhập siêu của cả nước ước đạt 2,74 tỷ USD, chiếm 4,5% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 5,75 tỷ USD thì khu vực 100% vốn trong nước lại nhập siêu ước đạt 8,49 tỷ USD.
Nói về việc nhập siêu, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong 4 tháng nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị… và mục tiêu là để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá của một số mặt hàng nhập khẩu như nhiên liệu, nguyên liệu của một số ngành sản xuất, các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, hoá chất, chất dẻo, nguyên liệu… có giá trị nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá dầu thô.
"Việc phải nhập khẩu nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến cho xuất khẩu cho thấy sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực," ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ, do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia sẽ được đẩy mạnh hơn.
Để giải quyết bài toán nhập siêu, ông Hải cho rằng, từ phía nhà nước cần có nhiều chính sách và hoạt động để thúc đẩy sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.
"Trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ giúp hạn chế nhập khẩu. Cùng với đó là các giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua đó những sản phẩm sản xuất được trong nước thì ưu tiên sử dụng," lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay./.
Vietnam+