MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu rau quả: 2,5 tỷ USD và sẽ cao hơn

05-11-2016 - 15:58 PM | Thị trường

2016 là năm đầu tiên, kim ngạch XK rau quả được ghi nhận vượt qua kim ngạch XK của mặt hàng gạo với giá trị dự kiến cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Kết quả bất ngờ này đã là sự đáng mừng, tuy nhiên không ít chuyên gia nhận định, với điều kiện của Việt Nam, nếu tận dụng hết cơ hội hoàn toàn có thể thúc đẩy gia tăng kim ngạch XK rau quả gấp đôi so với hiện nay.

Xuất khẩu tăng trên 30%

Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 10, XK rau quả đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường NK mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần.

Điều đáng chú ý là, trong khi kim ngạch XK rau quả liên tục gia tăng khả quan trong thời gian qua thì một trong những mặt hàng nông sản XK quan trọng bậc nhất của Việt Nam là gạo lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. 10 tháng đầu năm, XK gạo chỉ đạt mức 4,2 triệu tấn và xấp xỉ 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trên thực tế, không phải tới tháng 10 mà ngay từ tháng 9 năm nay, kim ngạch XK rau quả đã vượt gạo. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: Tiềm năng thúc đẩy XK mặt hàng này còn khá lớn. Dự kiến, cả năm XK rau quả có thể cán mốc 2,5-2,6 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Việc XK rau quả vượt gạo là điều đáng mừng và cũng đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân quan trọng là bởi, trong khi thị trường XK gạo ngày càng khó khăn thì ở một phương diện khác cùng với sự hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, năm nay nhiều thị trường XK rau quả lại được “khơi thông” với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm có phần “dễ thở” hơn. Điển hình phải kể tới việc sau gần 10 năm đàm phán, giữa tháng 9 vừa qua, Australia đã chính thức cấp phép NK xoài của Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, theo Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT): Tháng 9 cũng đánh dấu một mốc đáng nhớ của ngành rau quả khi 10 tấn nhãn muộn ở Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) được XK sang Malaysia, mở đường cho hành trình chinh phục các thị trường khác. Ngoài ra, thời gian qua, chuối cũng là một trong những mặt hàng thúc đẩy XK khá tốt. Năm nay, do một số nước như Philippines, Lào, Myanmar, Trung Quốc… khan hiếm chuối trong khi nhu cầu tiêu thụ chuối ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… tăng nên giá chuối được đẩy lên khá cao. Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp nhận định: Việc khơi thông những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… đã mang lại lợi ích kép vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vừa tránh cho rau quả Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường như trước.

Cần đầu tư bài bản khâu hậu cần

Ông Đào Thế Anh phân tích, trong tương quan so sánh, XK rau quả còn nhiều tiềm năng mở rộng, trong khi gạo sẽ ngày càng đối mặt với những khó khăn. Cụ thể, gạo tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ các thị trường cung ứng như Thái Lan, Campuchia, Malaysia…, trong khi nhờ Việt Nam có khí hậu đặc biệt, các loại rau quả mang bản sắc riêng nên không rơi vào tình cảnh tương tự. “Với thị trường rộng mở, nếu nỗ lực giải quyết thấu đáo các điểm yếu còn tồn tại, XK rau quả trong tương lai hoàn toàn có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm chứ không chỉ là con số 2,5 tỷ USD”, ông Thế Anh nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thế Anh, muốn đạt được điều này, việc cần làm còn khá nhiều, đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư, xây dựng bài bản khâu hậu cần. Hiện nay, Việt Nam rất thiếu các hệ thống bảo quản rau quả phục vụ XK như kho lạnh, xe tải lạnh... DN nào tìm kiếm được đơn hàng XK đều phải chủ động tìm cách đầu tư, khá tốn kém. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều DN trong lĩnh vực logistics từ Nhật Bản sang đầu tư các hệ thống liên quan tại khu vực Bình Dương. Các đơn vị này có mối quan hệ, đầu mối khách hàng tại Nhật Bản từ trước nên chủ yếu xử lý, XK rau quả phục vụ thị trường Nhật Bản. Trước đây, tại thị trường Thái Lan, các DN Nhật cũng từng liên doanh với Thái Lan để đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ cho XK rau quả. Điều này đã giúp Thái Lan thúc đẩy XK rau quả sang nhiều thị trường khá tích cực. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi áp dụng để có thể xây dựng, phát triển ngành rau quả bền vững hơn.

“Muốn có một hệ thống dịch vụ hậu cần tốt, tôi cho rằng Bộ NN&PTNT phải chủ động hơn bắt tay vào làm thông qua việc xây dựng những chính sách để thu hút các DN trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, đặc biệt là đầu tư bằng hình thức Hợp tác công tư. Khi hình thành các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp, các DN sẽ yên tâm hơn thúc đẩy XK, đặc biệt là thúc đẩy XK trên diện rộng. Phải nói thêm rằng, nếu thu hút được các nhà đầu tư ngoại cùng tham gia đầu tư, bản thân các DN này cũng có những mối quan hệ rộng mở góp phần mở rộng thị trường XK, giúp Việt Nam giải quyết tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống”, ông Thế Anh nói.

Nhiều chuyên gia đánh giá, ngoài một chiến lược bài bản đầu tư cho khâu dịch vụ hậu cần, những vấn đề cơ bản nhiều năm chưa giải quyết thấu đáo như quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng an toàn thực phẩm chưa cao… cũng phải được quan tâm thường xuyên. Muốn vậy, rau quả cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa người nông dân và DN. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu phát triển rau quả hữu cơ hướng tới XK cũng là điều mà các DN phải nghiêm túc tính đến.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên