Xuất khẩu rau quả chờ giờ kích hoạt
Xuất khẩu rau quả là điểm sáng nổi bật nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu năm 2023 khi ghi nhận mức kỷ lục mới. Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rau quả năm 2024 tiếp tục mở ra khi đang có nhiều mặt hàng chờ giờ kích hoạt.
- 01-01-2024Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD
- 29-12-2023Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được Nga liên tục đổ tiền mua: nằm trên kệ ở hàng loạt siêu thị nước ngoài, xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới
- 28-12-2023Nhờ 1 lợi thế 'ăn đứt' Thái Lan, sầu riêng Việt Nam được nhiều nước tăng thu mua - xuất khẩu vượt 2 tỷ USD
Với sự bùng nổ mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu rau quả của năm vừa qua, các doanh nghiệp cho rằng đây mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ mức tăng trưởng trên 70%, mặt hàng rau quả là một trong hai mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục với 5,69 tỷ USD.
Top các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia… Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỷ trọng 65%.
Soái “ngôi vương” thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với trên 2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, doanh nghiệp đã khai thác rất hiệu quả lợi thế này.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho hay, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là vải thiều và nhiều loại rau củ, nhưng khi sầu riêng được mở cửa sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này.
Vừa qua Ameii Việt Nam có tham gia đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được tiếp cận với các tập đoàn, doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc chuyên về sản phẩm sầu riêng chế biến. Qua đây cũng cho thấy, tín hiệu về thị trường sầu riêng chế biến tốt sẽ góp phần tăng thêm giá trị xuất khẩu mảng trái cây.
Với sự bùng nổ mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu rau quả của năm 2023, ông Nguyễn Khắc Tiến đánh giá, đây mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa.
Hiện miền Bắc đang vào vụ thu hoạch cây vụ Đông, đặc biệt là sản phẩm cà rốt Hải Dương, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đang tập trung mạnh vào nhóm sản phẩm này sang các thị trường, nhất là Hàn Quốc. Các sản phẩm cà rốt được doanh nghiệp đưa sang được khách hàng các nước đón nhận và phản hồi rất tốt. Sản lượng liên tục tăng qua các năm.
Với thị trường Trung Quốc, cơ hội xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) vừa ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, đơn vị đã trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh. Đồng thời, tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu sang thị trường này.
Để rau quả Việt tiếp tục tiến sâu, rộng sang các thị trường, ông Nguyễn Khắc Tiến cho rằng cần hoàn thiện khâu quản lý doanh nghiệp, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… những ngành hàng đã rút ra được các bài học và năm sau có thể có thể chiếm lĩnh thị trường.
Là doanh nghiệp đang tiến vào thị trường Nhật Bản và từng bước mở rộng thị trường Trung Quốc với các sản phẩm được ký nghị định thư, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ, khi tham gia các thị trường này, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam sẽ phải hoàn thiện chuỗi sản xuất chuẩn. Khi đó, để đưa sản phẩm sang thị trường chất lượng cao, nông dân phải thay đổi và tuân thủ quy trình sản xuất.
“Hướng đi chiến lược của doanh nghiệp là phát triển các sản phẩm có tính minh bạch cao nên khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì doanh nghiệp phải tuân thủ cuộc chơi rõ ràng”, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay, đơn vị đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Xác định vai trò quan trọng trong phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, không lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU..., góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của Việt Nam.
Báo Tin Tức