MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu rau, quả có thể cán mốc 3,5- 4 tỷ USD năm nay

12-07-2021 - 15:13 PM | Thị trường

Xuất khẩu rau, quả có thể cán mốc 3,5- 4 tỷ USD năm nay

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020). Với kết quả này, ngành rau quả đang có sự phục hồi mạnh mẽ, dự kiến trong năm nay có thể đạt được từ 3,6 – 4 tỷ USD.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong tháng 6/2021, xuất khẩu rau quả đạt trên 356 triệu USD (tăng 38%). Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD (tăng 17,4%).

Trong đó, một số nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng sản lượng xuất khẩu cao như: Thanh long đạt 1,2 triệu tấn (tăng 138%); dưa hấu 290 nghìn tấn (tăng gần 132%). Riêng đối với quả vải, hiện đã xuất khẩu được hơn 51 nghìn tấn (tăng khoảng 44%).

Về thị trường, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 132% so với cùng kỳ năm 2020); sang Trung Quốc (tăng 116%); sang Nhật Bản (tăng 109%)...

Trong đó, Trung Quốc là thị trường chiếm tới 26% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến nay, có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với kết quả đạt trên 2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, ngành rau quả đang có sự phục hồi mạnh mẽ, dự kiến trong năm nay có thể đạt được từ 3,6 – 4 tỷ USD.

Theo ông Nguyên, dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang gặp không ít khó khăn khi đối mặt với giá cước phí vận chuyển trong và ngoài nước tăng cao. Bên cạnh đó, việc các địa phương áp dụng các biện pháp chống dịch khác nhau, lái xe phải khai báo y tế liên tục, khiến thời gian lưu thông dài (trước đây đi từ miền Tây ra các cửa khẩu với Trung Quốc mất chỉ 30 tiếng, nay kéo dài lên 40 tiếng) gây ảnh hưởng đến chất lượng rau quả. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra, ông Nguyên cho rằng, các bộ, ngành cần có giải pháp hỗ trợ phí như giảm phí BOT, phí đường bộ, ưu tiên tiêm vắc xin cho phép lái xe, và không phải khai báo nhiều lần.

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn dễ tính như trước, các quy định mới về hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc đòi cao nên doanh nghiệp cần chú trọng không chỉ về chất lượng, mà mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là mã số vùng trồng. Bộ NN&PTNT đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây khác như bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa,…

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên