Xuất khẩu rau quả gặp khó những tháng cuối năm?
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.
- 02-08-2018Xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam có dấu hiệu chững lại
- 31-07-2018Giá rau xanh tăng mạnh vì trời mưa, ngập
- 30-07-2018Xuất khẩu gạo và rau quả đối mặt nhiều khó khăn những tháng cuối năm
Đặc biệt ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Dù đưa ra nhận định như trên, song theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Trong thời gian qua, việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm với 74% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này nửa đầu năm đạt 1,47 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (37,6%), Hàn Quốc (16,7%), Hoa Kỳ (15,9%) và Malaysia (12,9%).
Bộ NN&PTNT dự báo, cả năm nay xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Từ nay đến hết năm, với sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm...