Xuất khẩu thêm khó vì tiêu chuẩn hàng hóa ngày càng khắt khe
Sản phẩm xuất khẩu không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu để chiếm lĩnh thị trường thế giới.
- 27-08-2023Đề xuất người Việt mua ôtô điện được hỗ trợ 1.000 USD
- 27-08-2023Thủ tướng chỉ đạo rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư
- 27-08-2023Đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà máy nước rồi... 'đắp chiếu'
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng cao, những điều kiện, quy định khắt khe mới từ các thị trường nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các DN cần nhanh chóng có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, giúp xuất khẩu bền vững.
Ưu tiên sản phẩm xanh, bền vững
Không khó để nhận thấy hàng loạt các quy định mới từ các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian gần đây. Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua Dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020...
Thị trường ngay sát Việt Nam cũng không ngoại lệ, chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký DN xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, thời gian qua thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho DN tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre băn khoăn, trong quá trình tiếp cận loại hình thương mại này các DN cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
“Đối với DN xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý. Thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế; những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản và thông quan hàng hóa,... là những vấn đề mà các DN cần phải tìm hiểu để nắm bắt cụ thể”, bà Nga bày tỏ.
Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững. Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thiếu ổn định, chưa đồng đều, DN chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch”, ông Đông nhận xét.
Bám sát thị trường để chủ động thích ứng
Theo các chuyên gia, những yếu tố nền tảng mà DN Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu… Đây là các yêu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Những ngày gần đây, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được nhiều quốc gia quan tâm. Song theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường Anh, gạo xuất khẩu phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.
“Các DN xuất khẩu gạo cần ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn. Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho DN thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn nên triển khai những Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường”, ông Cường đề xuất.
Cũng theo khuyến nghị mới của EU, tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường khu vực này phải bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại và được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, các DN Việt Nam cần có kế hoạch kinh doanh thích hợp, tránh trường hợp khi khuyến nghị của EU trở thành quy định bắt buộc, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các DN khi xuất khẩu các sản phẩm sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn… Các quy định nhập khẩu của EU rất khắt khe và thay đổi thường xuyên, nên DN xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng nhanh các quy định mới.
vov.vn