MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản, còn đó những thách thức

21-04-2016 - 17:16 PM | Thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2016 xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,4 tỷ USD tăng gần 9% so với cùng kỳ. So với những khó khăn và sụt giảm nghiêm trọng của ngành hàng này thì những kết quả của đầu năm 2016 mang lại tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức.

Tín hiệu vui

Thời gian gần đây, 2 mặt hàng chủ lực tôm và cá tra xuất khẩu đều tăng. Về xuất khẩu tôm: cả nước ước đạt gần 600 triệu USD, tăng 12% so cùng kỳ, trong đó tôm chân trắng chiếm 57%, tôm sú chiếm gần 35%, còn lại là tôm biển. Thị trường xuất khẩu tôm mạnh nhất vẫn là Mỹ gần 40%, Trung Quốc 30%, Nhật và EU tăng 3,5%.

Về xuất khẩu cá tra: đạt 358 triệu USD tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu ổn định và tăng như Mỹ tăng gần 10%, Trung Quốc tăng 39%, Brazil tăng gấp 8 lần so với năm rồi. Thời gian qua nhu cầu của Trung Quốc đối với cá tra vẫn cao. Theo dự báo của VASEP nhu cầu nhập khẩu của sản phẩm cá thịt trắng trong năm 2016 vẫn còn lớn cơ hội và thị phần cho các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn còn lớn. Xuất khẩu cá tra sang Brazil bị đình trệ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 thì chấm dứt. Trong quý I/2016, xuất khẩu cá tra tăng mạnh trở lại.

Cũng theo VASEP, thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức: Năm 2016 trở đi thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ có những tác động lớn đến ngành thủy sản trong việc gia tăng đầu tư cũng như thị phần và khi các hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Philipines, Ấn Độ do các nước này không có FTA với các nước nhập khẩu thủy sản lớn như Mỹ, Nhật.

Về cá tra, Chính phủ và Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện nghị định về sản xuất cá tra theo hướng hỗ trợ các DN đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm cá tra. Các chương trình hỗ trợ cụ thể về xúc tiến thương mại thị trường, quảng bá sẽ giúp thế giới biết nhiều đến cá tra…

Nỗi lo chất cấm

Tuy nhiên, ngành thủy sản (nuôi tôm, cá) đang đứng trước những thách thức liên quan đến kháng sinh, đặc biệt là với con tôm. Các DN đang phải đầu tư nhiều hơn cho việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm. Theo thông tin cảnh báo từ Nhật Bản, một số lô hàng thủy sản của Việt Nam đã bị cảnh báo về dư lượng nhiễm kháng sinh Enrofloxacin và Nhật Bản cũng là khắt khe trong việc quy định chất Enrofloxacin so với các nước khác. Hiện 100 lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam bị Nhật Bản kiểm tra đang chờ kết quả.

Nhiều năm qua Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (Cty IDI) tỉnh Đồng Tháp liên kết với người dân nuôi cá tra với diện tích 142 ha. Mặc dù Công ty đã kiểm soát rất gắt gao nhưng việc cá nhiễm kháng sinh vẫn là nỗi lo lớn đối với DN. Thống kê của Cty IDI, năm 2015 thu hoạch 167 ao cá, có 68 ao bị nhiễm kháng sinh, chiếm tỷ lệ 40,7%. Nguyên nhân mà Cty IDI đưa ra là hộ nuôi dùng kháng sinh không hợp lý, kháng sinh đã bị cấm để điều trị cho cá khi bị bệnh. Có ý kiến cho rằng, phải cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong thủy sản, kể cả kháng sinh chữa bệnh.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ cho biết: “Do thị trường các nước đòi hỏi chất lượng và kiểm định gắt gao nên các DN không dám “làm bậy”. Họ đặt ra những quy định gắt gao với các hộ nuôi. Nhìn chung, vấn đề hóa chất, kháng sinh ở con cá tra xuất khẩu đều ổn”. Cũng theo ông Hải, do môi trường và thời tiết ngày càng xấu nên người nuôi sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc quản lý các loại hóa chất, kháng sinh trên các loại thủy sản tiêu thụ nội địa gần như không kiểm soát được. Nguyên nhân trước hết do luật quá lỏng lẻo, tại Cần Thơ có những cửa hàng bán thuốc thú y thực hiện rất nghiêm việc không kinh doanh các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm; nhưng ngay cạnh đó, các tiệm kinh doanh hóa chất vẫn cứ vô tư bán (vì luật không cấm).

Tôm đông lạnh xuất khẩu bị nhiễm các chất kháng sinh (chủ yếu là Chloramphenoicol và Nitrofurans) trong quá trình nuôi (nếu là tôm nuôi) và trong quá trình bảo quản (nếu là tôm đánh bắt ngoài biển). Để điều trị bệnh cho tôm, nhiều người nuôi sử dụng kháng sinh quá liều, khai thác sớm hơn quy định, gây ra tồn dư kháng sinh khi tôm được thu hoạch. Ngoài ra trong bảo quản một số chất kháng sinh khi trộn lẫn với nước đá có tác dụng giúp kéo dài thời gian bảo quản nguyên liệu tôm.

Trước nỗi lo về tôm và cá tra nhiễm kháng sinh, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Các DN cần thay đổi tư duy làm ăn, phải xác định cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa. Chúng ta phải làm thật trung thực, bảo vệ lợi ích cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu cho ra giống cá tra sạch bệnh, chất lượng cao và Bộ cũng có chương trình giám sát dịch bệnh đối với cá tra.

Theo Quốc Trung

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên