Xuất khẩu thủy sản sang các nước CPTPP tăng mạnh
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 1/2021 tăng so với cùng kỳ là do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán...
- 26-02-2021Gần 700 doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan
- 23-02-2021Nhu cầu tiêu thụ thủy sản được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ
Thống kê tháng 1/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), điều đặc biệt là xuất khẩu sang các nước khối hiệp định CPTPP tăng mạnh, tới 34%.
Vasep nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên mức tăng trưởng 23,4% được coi là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó thể hiện ở mức tăng xuất khẩu cá tra (21,7%), cá biển khác (+46%), tôm chân trắng (32,5%), nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 43%.
Đối với các thị trường xuất khẩu, kết quả trong tháng 1 cũng có tín hiệu tích cực với Mỹ (+25,6%), Nga (+72%), Đài Loan (+60%). Đặc biệt xuất khẩu sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%.
Xuất khẩu sang các thị trường khác trong tháng 1/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mức tăng trưởng không được coi là tích cực vì năm trước Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1.
Trong tháng 1/2021, một số sản phẩm có tăng trưởng vượt trội như cá tra phile đông lạnh (mã HS030462) tăng 53% và là mã sản phẩm đứng đầu về giá trị xuất khẩu, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là tôm chân trắng chế biến (PTO, PDTO…) tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu; tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu, block, PTO, PDTO (mã HS 03061721) tăng 39% và chiếm 7,4%, chả cá, surimi (mã HS 0304990) tăng 58% và chiếm 6,8%; tôm chân trắng lột vỏ, bỏ đầu PD tươi/đông lạnh (mã HS 03061722) tăng 56% và chiếm 5,2%.
Nhiều sản phẩm khác có mức tăng trưởng cao (41- 84%) như bạch tuộc đông lạnh (cắt/nguyên con); cá phile/cắt khúc đông lạnh (cá thu, cá đổng, cá cờ, cá chiếm, cá saba…); cá chế biến cá khô tâmgr gia vị, cá tẩm bột…
Đặt biệt có một số sản phẩm thủy sản của Việt nam có nhu cầu rất cao trong bối cảnh dịch Covid nên giá trị xuất khẩu trong tháng 1 đạt tăng trưởng đột phá, trong đó cá tra nguyên con/cắt khúc/xẻ bướm đông lạnh (mã HS 03032400) tăng 163%, mực khô tăng 118%, cá khô các loại mã HS 03055990 tăng 226%, thịt ghẹ thanh trùng, thịt cua đóng lon tăng 242%...
Tuy nhiên vẫn có một số sản phẩm có mức xuất khẩu giảm sâu như tôm chân trắng, tôm sú chế biến, tẩm bột đông lạnh giảm 63%; tôm sú nguyên con tươi/ đông lạnh giảm 19%; tôm chân trắng nguyên con đông lạnh giảm 33%.
Sự sụt giảm của những sản phẩm này được cho là nhu cầu giảm với sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao và có liên quan đến việc siết chặt kiểm dịch hàng đông lạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường chính tiêu thụ sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh của Việt Nam.
VnEconomy