Xuất khẩu tìm cơ hội trong khó khăn
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.
Đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đang được dự báo sụt giảm, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Để giữ vững mục tiêu xuất khẩu năm 2023 tăng 6% so với năm 2022, doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, tìm đến các thị trường mới tiềm năng.
- 07-01-2023Tăng xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc
- 07-01-2023Tiếp tục kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy
- 07-01-2023Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tiếp tục xây dựng các chính sách 'dĩ bất biến, ứng vạn biến'
Năm 2022 xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Có thể thấy, xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều kỷ lục, đưa Việt Nam xuất siêu liên tiếp 7 năm liền, con số xuất siêu trong năm 2022 rất cao khoảng hơn 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”.
Lượng đơn hàng có xu hướng giảm
Thực tế cho thấy xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.
Một trong những chỉ tiêu mà ngành Công thương đưa ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Vậy nhưng, dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đối diện nhiều nỗi lo.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, dự báo xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm, nhất là ở thị trường Mỹ, EU do lạm phát cao, suy thoái nên người tiêu dùng siết chi tiêu.
Trong khi đó, đánh giá của Hiệp hội Da giày - Túi xách, mặc dù vượt qua được nhiều khó khăn thách thức để đạt được kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong năm 2022 là 25 tỷ USD; song không có gì bảo đảm rằng ngành sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành.
Với ngành lâm sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, mặc dù năm 2022 xuất khẩu vượt mục tiêu nhưng nhiều tín hiệu cho thấy năm 2023 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lưu ý, trong bối cảnh hiện nay một số nhóm DN sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cùng với tái cấu trúc thì DN cần phải đa dạng hóa thị trường.
Năm 2023, dự báo ngành gỗ xuất khẩu gặp khó khăn. Ảnh: Tiểu My.
Tái cấu trúc, tìm thị trường
Để xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng về dài hạn nhà nước cần đẩy mạnh xúc tiến việc đàm phán các FTA mới (song phương, đa phương, khu vực). Đồng thời cần có chương trình đánh giá định kỳ hằng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA. Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; cấp phép và quản lý đầu tư). Cùng với đó, đánh giá tình hình thực thi FTA của DN, đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của DN...
Theo Bộ Công thương, năm 2023, cần lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch lộ trình theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, tổ chức, DN. Bên cạnh đó là thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu khi dự báo đều gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường khai thác các thị trường lân cận còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Cùng với đó là đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử.
Thuy nhiên, DN cũng phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm Việt có thương hiệu uy tín. DN phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại, định hướng sản xuất “xanh - tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, nhất là cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.
Đại Đoàn Kết