MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu tôm chân trắng sang các thị trường lớn nhiều triển vọng

09-02-2018 - 11:36 AM | Thị trường

Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, trong năm 2017, 4 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018, dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng của các thị trường này có xu hướng tăng.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, kể từ năm 2013 đến nay, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên và ngày càng thể hiện rõ nét vị trí chủ chốt của mình.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, diện tích tôm chân trắng là 98,7 nghìn ha; tăng 4,7% so với năm 2016; sản lượng tôm chân trắng 427 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng đạt 2,5 tỷ USD; chiếm 65,6% tổng xuất khẩutôm và tăng 29,2% so với năm 2016.

Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, trừ năm 2015, diện tích và sản lượng tôm chân trắng đều giảm do thời tiết bất lợi, tôm chết nhiều, các năm còn lại, diện tích và sản lượng tôm chân trắng liên tục tăng. Từ 38.169 ha trong năm 2012, diện tích tôm chân trắng đã tăng lên 98.700 ha trong năm 2017.

Năm 2013 cũng là năm đầu tiên tôm chân trắng vượt qua tôm sú về giá trị xuất khẩu. Trước năm 2012, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng thấp hơn tôm sú trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu. Từ năm 2013, tỷ trọng tôm chân trắng luôn cao hơn tôm sú. Tỷ trọng tôm chân trắng tăng liên tục từ 2013 đến nay. Năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng đạt 65,6% trong tổng xuất khẩu các mặt hàng tôm Việt Nam.

Năm 2017, 4 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018, dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng của các thị trường này có xu hướng tăng.

Nhật Bản được coi là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ổn định nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. Tại Nhật Bản, tỷ lệ lập gia đình muộn nhiều, số người độc thân gia tăng nên những sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng tại đây.

 Xuất khẩu tôm chân trắng sang Hàn Quốc cũng sẽ có lợi thế từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, các thị trường đơn lẻ trong khối EU như Hà Lan, Anh, Bỉ, Đức cũng là những điểm đến quen thuộc của tôm chân trắng Việt Nam. 

Với đặc điểm vượt trội về năng suất, lợi nhuận cộng với sản lượng dự kiến tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, dự báo năm 2018, xuất khẩu tôm chân trắng được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tiến xa chứ không chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng 29% của năm 2017.

Tùng Anh

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên