Xuất khẩu tôm có nhiều tín hiệu tích cực
Tháng đầu tiên năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 49 thị trường với kim ngạch xuất khẩu đạt 264,8 triệu USD.
- 26-02-2018Giá tôm sú đã tăng trở lại
- 25-02-2018Australia kiểm tra chuỗi sản xuất tôm tại Việt Nam
- 09-02-2018Xuất khẩu tôm chân trắng sang các thị trường lớn nhiều triển vọng
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam đầu năm 2018 tiếp tục đi lên ấn tượng. Tháng 1/2018, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 49 thị trường với kim ngạch xuất khẩu đạt 264,8 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu tôm sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng dương trong đó xuất khẩu sang Australia tăng mạnh nhất 169,7%. Hàn Quốc cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao 81,3%. Ba thị trường lớn nhất (EU, Mỹ, Nhật Bản) tăng trưởng lần lượt 13,4%; 12,1% và 3,7%.
Vasep cho biết, xuất khẩu tôm trong tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu thị trường vẫn cao, giá tôm thế giới ổn định và có xu hướng tăng.
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68,9%, tôm sú chiếm 18,5% và tôm biển 12,6%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam với giá trị nhập khẩu 15,2 triệu USD tôm sú từ Việt Nam trong tháng 1 năm nay. Trong khi Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam với 29,4 triệu USD trong tháng 1 năm nay.
So với tháng 1/2017, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm. Tháng 1/2018, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 43% trong khi tôm sú giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với tôm chân trắng, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) đều tăng 43%. Đối với tôm sú, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến (HS 16) giảm 27% và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 4%.
EU vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,6% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 1 năm nay đạt 49,4 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Xuất khẩu sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 65,1% và 62,2% trong khi xuất khẩu sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 29%.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 1 năm nay đạt gần 45 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 1/2018, Mỹ vươn lên vị trí thứ 3 từ vị trí thứ 4 trong năm 2017. Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng này đạt 40,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm do các doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ để bù đắp sự sụt giảm ở các thị trường chính khác khiến thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sụt giảm.
Trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng ấn tượng 169,7% đạt gần 11 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ thị trường khá lớn do sản lượng tôm đánh bắt và chế biến trong nước hạn chế vì nhân công cao. Tiêu thụ tôm tăng nhanh trong khi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia đã cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá quy trình, chất lượng sản xuất tôm của Việt Nam. Chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam được phía nhà nhập khẩu Australia đánh giá là rất tốt. Những đánh giá ban đầu về quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đã cho thấy triển vọng xuất khẩu tôm nguyên con của Việt Nam sang Australia.
Nhịp sống kinh tế