Xuất khẩu tôm tiếp tục chững lại, dự báo giảm 4% trong năm 2019
VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
- 22-10-2019Thịt heo Braxin, Mỹ... ồ ạt về cạnh tranh với Việt Nam
- 20-10-2019Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm
- 20-10-2019Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 13% trong tháng 7/2019, giảm nhẹ 1,6% trong tháng 8 và tiếp tục giảm 7,4% trong tháng 9. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9/2019 đạt 307,3 triệu USD, giảm 7,4%. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. xuất khẩu giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém. Tháng 7, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục tuy nhiên, xuất khẩu lại chững trong 2 tháng 8 và 9.
Chín tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,4%, tôm sú chiếm 20,9% và còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt 508,2 triệu USD, giảm 16%; xuất khẩu tôm biển khác đạt 236,5 triệu USD, tăng 6,3%. Xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 35%. Xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng tốt nhất 33,5%.
Tháng 9/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt hơn 61 triệu USD, giảm 23% so với tháng 9/2018. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), xuất khẩu sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt 37% và 32%, xuất khẩu sang Đức giảm 9%. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 513,4 triệu USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trung bình nhập khẩu tôm của các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018: tại Anh giảm từ 12 USD xuống 11 USD, tại Đức giảm từ 10,8 USD xuống 9,8 USD, tại Hà Lan giảm từ 11 USD xuống 9,57 USD/kg. So với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn 15-20% (1- 2 USD/kg).
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Sau khi tăng trưởng dương trong 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2019 giảm 18% đạt 64,7 triệu USD. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 476,9 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam tích cực hơn từ tháng 5 đến tháng 8 do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ đang áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có tôm, cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.
Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 444,7 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Nhật Bản, tuy khối lượng xuất khẩu vẫn ổn định và nhu cầu của thị trường không tăng, nhưng giá trung bình xuất khẩu giảm 1 USD/kg từ 12 USD xuống 11 USD khiến cho giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm. Trong khi đó, giá tôm từ Thái Lan, Indonesia ổn định ở mức 11 USD/kg, giá tôm Ấn Độ giảm nhẹ xuống 9,3 USD/kg.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng 7,2% đạt 382,3 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay nhờ tăng trưởng dương liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 9. Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Tài chính Plus