Xuất khẩu vùng ĐBSCL giảm sâu, gần 8.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường
Trong quý 3/2021, xuất khẩu (XK) cả nước tăng 5,2% nhưng vùng ĐBSCL giảm tới 27%. Kim ngạch XK của vùng ĐBSCL trong tháng 8 và tháng 9/2021 thấp nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng đầu năm, vùng ĐBSCL chỉ có 6.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong khi có tới 7.900 DN ngừng kinh doanh và giải thể.
- 20-10-2021Thu nhập bình quân lao động quý 3 còn thấp hơn cả 'đáy' trong vòng 10 năm
- 20-10-2021Việt Nam sắp có thêm 9 tuyến đường sắt dài hơn 2.300 km, gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến TP. HCM - Cần Thơ
- 19-10-2021Đại diện Eurocham, JCCI đề xuất thời gian tới, để doanh nghiệp tự chủ hơn trong chống dịch, nếu có F0 thì chỉ khoanh vùng tối thiểu
Theo Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), dù chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhìn chung xuất nhập khẩu cả nước trong quý 3/2021 vẫn có tín hiệu khả quan. Kim ngạch XK cả nước quý 3 đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái với xu hướng chung, XK của vùng ĐBSCL trong quý 3 giảm tới 27% so với cùng kỳ. Có 8/13 tỉnh trong vùng có giá trị XK giảm đáng kể. Trong đó, một số tỉnh giảm mạnh như Vĩnh Long (giảm 51%), Bến Tre (giảm 46%), Tiền Giang (giảm 44%), Trà Vinh (giảm 41%), Long An (giảm 32%).
Về nhập khẩu, có tới 12/13 tỉnh (trừ Hậu Giang) nhập khẩu cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, một số tỉnh tăng tới 3 con số, như Bạc Liêu tăng 387%, Bến Tre tăng 137%, Cà Mau tăng 128%, An Giang tăng 123%.
Trong quý 3/2021, vùng ĐBSCL có 981 DN đăng ký thành lập mới (giảm 66% so với cùng kỳ) với số đăng ký 19.736 tỷ đồng (giảm 44%) và 244 DN quay lại hoạt động.
Cũng thời gian này, vùng ĐBSCL có 371 DN tạm ngừng kinh doanh, 594 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 195 DN đã giải thể.
Tất cả 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL đều có số DN thành lập mới trong quý 3 giảm trên 50% so cùng kỳ. Trong đó, 7 tỉnh giảm trên 70% là Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Hậu Giang.
Ba tỉnh có số DN thành lập mới cao nhất vùng là Kiên Giang (197 DN), TP Cần Thơ (154 DN) và Long An (144 DN). Đây cũng là 3 tỉnh có số DN tạm ngừng kinh doanh cao nhất vùng (Kiên Giang 64 DN, Long An 55 DN, Cần Thơ 50 DN). Hai tỉnh có số lượng DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cao nhất là Kiên Giang (202 DN) và Bến Tre (113 DN).
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, dịch bệnh đã làm cho vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn và tụt hậu hơn so với cả nước.
Trong quý 3/2021, XK cả nước tăng 5,2% nhưng vùng ĐBSCL giảm tới 27%, riêng trong tháng 8 và 9 đạt thấp nhất trong lịch sử. Cụ thể, trong 2 tháng này, kim ngạch XK vùng ĐBSCL chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ các năm khoảng 1,7-2 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, vùng ĐBSCL chỉ có 6.100 DN thành lập mới trong khi có tới 7.900 DN ngừng kinh doanh và giải thể.
Về thu ngân sách địa phương, 9 tháng đầu năm, 13 tỉnh/thành ĐBSCL thu ngân sách đạt 90.000 tỷ đồng, chưa đạt 50% so với kế hoạch và chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong hơn 2 tuần mở cửa vừa qua, số DN ở ĐBSCL trở lại sản xuất đều hơn nhưng mới đạt 30-50%, chưa có tỉnh nào trên 50%, số DN có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều vì đang bị hạn chế về vắc xin… Việc đi lại, kết nối vẫn còn những bất cập do các địa phương có quy định khác nhau…
Tiền phong