Xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2020 vượt mục tiêu 10% chiến lược đề ra
Bộ Công thương công bố kết quả hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ đầu năm 2016 đến quý III/2020. Theo đó, Bộ Công thương đánh giá hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ.
- 26-10-2020Kinh tế Việt Nam bắt đầu làm quen với tầm cấp mới
- 26-10-2020Phải tắt sóng công nghệ cũ để thúc đẩy xã hội số, kinh tế số cho đất nước
- 25-10-2020CEO dự án điện khí 6 tỷ USD ở miền Trung: Khi giá điện mới được áp dụng, người dân sẽ mua sắm theo hướng xanh hơn
Tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt mục tiêu đề ra
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đi liền với kiềm chế siêu đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Đến năm 2017, kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn do xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.
Đối với tình hình trong nước, từ năm 2016 đến nay Việt Nam đã đảm bảo ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hội nhập quốc tế sâu rộng có tác động tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.
Cụ thể, hết năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội lần thứ XII đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các quốc gia trong khu vực đều giảm so với những năm trước thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với nhập khẩu, trong cùng giai đoạn, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 ở mức 11,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu chiến lược đề ra.
Nhìn chung, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD.
Động lực tăng trưởng của khối trong nước từ các mặt hàng công nghiệp
Bộ Công thương nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2015 con số này chỉ đạt 78,9%. Bên cạnh đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ngoài ra, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cũng trong năm 2019, giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 2.740 USD/người, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2000 USD theo chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.
Bên cạnh kim ngạch tăng cao, nền kinh tế có xuất siêu, trong vài năm qua, dấu ấn của khối doanh nghiệp trong nước về xuất khẩu ngày càng rõ nét. Cụ thể, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn đạt tăng trưởng tích cực cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như những năm trước, mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Cuối cùng, trong thời gian tới, Bộ Công thương nhấn mạnh sẽ quan tâm và chú trọng hơn trong việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho doanh nghiệp FDI tạo ra.