Xuất nhập khẩu nhiều khởi sắc, cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp - xuất khẩu - thị trường trong nước.
- 17-06-2022Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ lập kỷ lục
- 13-06-2022Gạo có thể tăng giá mạnh, quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển thị trường xuất khẩu
- 11-06-2022Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì - Vì sao thế giới như 'ngồi trên đống lửa'?
- 09-06-2022Ukraine dừng xuất khẩu than đá và khí đốt
hứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo.
TTheo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, dịch COVID -19 cơ bản được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 và 5 tháng năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,5%) đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.
Điều này cũng đã được phản ánh qua số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp tại thời điểm 1/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước.
Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 16,7%. 5 tháng năm 2022, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).
Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 tăng 22,6% là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng đang dần trở lại khi nước ta mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, việc làm tăng trở lại, thu nhập gia tăng… Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện… cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng).
Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.
Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như: làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa; tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Theo đó Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao….
Đặc biệt, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hoá đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoả động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá...
Báo Tin Tức