MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xung đột Nga-Ukraine: ATACMS "đổ thêm dầu vào lửa" nhưng không thay đổi được cục diện chiến trường

01-12-2024 - 17:05 PM | Tài chính quốc tế

Tên lửa ATACMS của Mỹ không làm thay đổi cục diện trên chiến trường, chỉ dẫn đến leo thang căng thẳng, kéo dài cuộc chiến.

Ngày 18/11/2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn 300 km do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tiếp theo, Anh và Pháp cũng đồng ý cho Kiev sử dụng tên lửa STORM SHADOW/SCALP vào mục đích này. 

Đây là lần đầu tiên Washington, London và Paris cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Trước đây, Mỹ chỉ cho phép sử dụng ATACMS để tấn công các mục tiêu ở Crimea, Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vì họ coi đây là lãnh thổ Ukraine.

Ngoài việc cho phép sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, chính quyền Mỹ còn tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ quân sự bổ sung trị giá 275 triệu USD và đồng ý hỗ trợ 9,3 tỷ USD cho Ukraine. Washington nói sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để đảm bảo Ukraine có mọi thứ họ cần.

Quyết định của ông Biden

Chính quyền Mỹ giải thích rằng, việc ông Biden thay đổi quan điểm liên quan đến tên lửa ATACMS là để đáp lại tình huống mà Mỹ cho là sự xuất hiện của quân đội Triều Tiên tại tỉnh Kursk của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc rằng hiện có 50 nghìn quân Triều Tiên trong khu vực, trong khi Mỹ đưa ra con số 10 nghìn, Bloomberg trích dẫn dữ liệu tình báo của một số nước thuộc nhóm G20 cho rằng tổng số quân Triều Tiên thậm chí có thể sớm lên tới 100 nghìn.

Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều không xác nhận thông tin trên, nhưng trong chuyến thăm Moscow ngày 1/11/2024, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui đã tuyên bố rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa ra chỉ thị “liên tục và mạnh mẽ ủng hộ và hỗ trợ” cho quân đội và nhân dân Nga trong cuộc chiến của họ. Tháng 6/2024, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trong đó có điều khoản về hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nên việc quân Triều Tiên đóng trên lãnh thổ Liên bang Nga - nếu có - là do thoả thuận giữa hai nước.

Thông qua việc cho phép lực lượng vũ trang Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, chính quyền ông Biden muốn gửi tín hiệu tới Triều Tiên để họ không nên gửi quân đến Nga nữa.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, việc ông Biden quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga hai tháng trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump - người đã nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình sẽ cắt giảm viện trợ cho Kiev và đưa Ukraine cùng Nga trở lại bàn đàm phán để nhanh chóng kết thúc chiến tranh - là nhằm đặt chính quyền mới của ông Trump vào sự việc đã rồi, khó có thể thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Xung đột Nga-Ukraine: ATACMS "đổ thêm dầu vào lửa" nhưng không thay đổi được cục diện chiến trường- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Mặt khác, quyết định của ông Biden có thể nhằm khuyến khích các nhân vật có quan điểm cứng rắn dự kiến sẽ tham gia chính quyền mới của ông Trump, trong đó có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.

Hành động này của Tổng thống Biden cũng là nhằm thử thách quyết tâm của Moscow trong việc thực hiện các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt” khi Mỹ và một số nước phương Tây đưa ra kế hoạch “giáng một thất bại chiến lược lên Nga".

Việc dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng tên lửa ATACMS là một phần trong “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky. Bản chất của kế hoạch này là buộc Liên bang Nga phải đàm phán về những điều khoản có lợi cho Ukraine.

Theo nguồn tin quan chức Mỹ, thông qua việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng ATACMS, Washington hy vọng sẽ ngăn cản được Nga giành lại quyền kiểm soát đối với Kursk, tạo thế cho Ukraine trong đàm phán vì khu vực này có thể trở thành một trong những “con bài mặc cả” của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra.

Không có sự đồng thuận

Đến nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa bình luận gì về quyết định của ông Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để bắn vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng nhóm của ông đã lên án mạnh mẽ bước đi này của chính quyền Biden.

Con trai ông, Donald John Trump Jr. nói: "Tổ hợp công nghiệp-quân sự có vẻ háo hức chờ Thế chiến thứ ba nổ ra trước khi cha tôi có cơ hội mang lại hòa bình và cứu sống nhiều sinh mạng. Họ muốn hàng nghìn tỷ USD được chi tiêu".

Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump, chẳng hạn như Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, nói rằng Mỹ không nên cung cấp thêm bất kỳ viện trợ quân sự nào cho Ukraine.

Tỷ phú người Mỹ David Sachs gọi hành động của ông Biden là liều lĩnh, mục tiêu chính là nhằm “trói tay Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Ukraine”. Ông cho rằng, quyết định này có thể phản tác dụng.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính sách của Washington về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa không thay đổi. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller không bác bỏ quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump, Mike Waltz, cho rằng quyết định của Tổng thống Biden là một bước nữa dẫn tới leo thang căng thẳng có thể mang đến hậu quả không thể lường trước được.

Ông Waltz cho biết, chính quyền Biden đã không thông báo cho ông Trump quyết định này.

Elon Musk, người dự kiến đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ trong chính quyền mới đã viết trên mạng xã hội X của mình rằng, “những người theo chủ nghĩa tự do thích chiến tranh” vì nó góp phần mở rộng bộ máy nhà nước. Người phát ngôn nhóm chuyển tiếp của ông Trump, Stephen Chung cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống đắc cử là "người duy nhất có thể đưa cả hai bên lại với nhau để đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh và chết chóc”.

Cao uỷ phụ trách ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết các nước thành viên của liên minh chưa nhất trí về việc dỡ bỏ các hạn chế tấn công bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga. Tại cuộc họp ngoại trưởng các nước EU ngày 18/11/2024 tại Brussels, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, nhưng không có quyết định chung nào được thông qua, mỗi nước sẽ hành động riêng rẽ khi thấy phù hợp.

Xung đột Nga-Ukraine: ATACMS "đổ thêm dầu vào lửa" nhưng không thay đổi được cục diện chiến trường- Ảnh 2.

Cao uỷ phụ trách ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Ảnh: Reuters

Italia từ chối cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để chống lại Nga. Ngoại trưởng Antonio Tajani nhấn mạnh rằng quan điểm của Rome vẫn không thay đổi, các vũ khí này chỉ có thể được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó cho rằng việc cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Nga bằng vũ khí từ các quốc gia thành viên NATO là "cực kỳ nguy hiểm".

Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cũng cho biết trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro rằng, Đức tuân thủ quyết định không cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho lực lượng vũ trang Ukraine. Ông nói, đây là vấn đề nguyên tắc mà Berlin sẽ không thay đổi.

Thủ tướng Slovakia Robert Fišo cho biết ông phản đối quyết định của Mỹ vì nó nhằm mục đích làm nản lòng hoặc trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình.

Chưa thay đổi được cục diện trên chiến trường

Do công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất, tên lửa đạn đạo ATACMS là một trong những tên lửa mạnh nhất cho đến nay được Washington cung cấp cho Ukraine, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km, tức là gấp đôi tầm bắn của các loại vũ khí có trong kho của Ukraine.

Sử dụng loại tên lửa này, Ukraine có thể tấn công các sân bay, cơ sở hậu cần, căn cứ quân sự và các kho vũ khí, đạn dược của Nga ở các khu vực Smolensk, Kaluga, Bryansk, Oryol, Tula, Lipetsk, Kursk, Voronezh, Belgorod, Rostov, Volgograd và Krasnodar.

Xung đột Nga-Ukraine: ATACMS "đổ thêm dầu vào lửa" nhưng không thay đổi được cục diện chiến trường- Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo ATACMS là một trong những tên lửa mạnh nhất cho đến nay được Washington cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Quân đội Mỹ

Tuy nhiên, việc cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine khó có thể lật ngược được cục diện cuộc chiến, vì biết trước kế hoạch này của Mỹ, Nga đã chuyển hầu hết các thiết bị quân sự, máy bay chiến đấu đến các sân bay nằm ngoài tầm bắn của ATACMS. Nhà Trắng đưa tin Nga đã di chuyển 90% máy bay chiến đấu ra ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Biden cho biết ATACMS được sử dụng chủ yếu để kiềm chế quân Nga và Triều Tiên ở khu vực Kursk.

Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa này có thể giúp nâng cao tinh thần của các lực lượng vũ trang Ukraine vốn gần đây đã suy giảm sau khi quân đội Nga tấn công và giành được quyền kiểm soát ở nhiều khu vực miền đông Ukraine.

Hãng tin CNN cho biết, chưa rõ hiện có bao nhiêu tên lửa loại này còn lại trong kho vũ khí Ukraine, nhưng theo nhiều nguồn tin, con số này rất ít, phần lớn đã hết hạn sử dụng phải nâng cấp, giá thành lại cao, nên điều này “sẽ không dẫn đến những thay đổi ngay lập tức trên chiến trường”. Trong khi đó, các máy bay không người lái do Ukraine sản xuất, rẻ hơn rất nhiều, từ lâu đã được sử dụng để tấn công các cơ sở quân sự và năng lượng ở Nga, được coi là giải pháp tốt hơn.

Các chuyên gia quân sự của Nga cho rằng, tác động của việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa ATACMS không quá quan trọng, không chỉ vì số lượng nhỏ của chúng trong kho vũ khí Ukraine mà còn dễ bị hệ thống phòng không tiên tiến của Nga gồm Pantsir, S-300, S-400, Buk M3 và Tor bắn hạ. 

Ngày 19/11/2024, Ukraine đã bắn 6 tên lửa ATACMS vào các mục tiêu ở tỉnh Bryansk bên trong lãnh thổ Liên bang Nga và tất cả đều đã bị bắn hạ. Ngày 25/11/2024, Ukraine đã bắn 8 tên lửa ATACMS vào sân bay quân sự Vostochny ở Kursk, nhưng tất cả máy bay chiến đấu của Nga đã được di chuyển đi nơi khác từ lâu. Lực lượng phòng không Nga cũng đã bắn hạ 7 chiếc, chỉ có một chiếc bắn trúng mục tiêu, 2 binh sĩ bị thương nhẹ và cơ sở hạ tầng bị hư hại nhẹ.

Nga đã đáp lại bằng việc Tổng thống Vladimir Putin ngày 19/11/2024 ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi và khẳng định Moscow có thể tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường do một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hỗ trợ.

Trong khi nhiều nước đang thúc giục Ukraine và Nga bước vào đàm phán để giải quyết cuộc xung đột, việc chính quyền của Tổng thống Biden cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga là một việc làm “đổ thêm dầu vào lửa”, không những không lật ngược được thế trận trên chiến trường, không giúp Ukraine giải quyết được cuộc xung đột với Nga, mà chỉ dẫn đến leo thang căng thẳng, kéo dài cuộc chiến.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên