Xung quanh việc hai công ty Alibaba bán đất dự án: Cẩn thận với “những chiếc bánh vẽ”!
Những ngày vừa qua, thị trường bất động sản lại lên “cơn sốt”. Lần này “cơn sốt” không phải do đất tăng giá mà “sốt” do chưa đủ điều kiện mở bán dự án nhưng Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh (Công ty CP Alibaba Tây Bắc) và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty CP Địa ốc Alibaba) vẫn bán những “chiếc bánh vẽ” tại một số tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
- 26-11-2017Khách hàng "tố" Alibaba tại lễ mở bán dự án
- 24-11-2017Địa ốc Alibaba đã khai gì với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an?
- 23-11-2017Bộ Công an điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba
Việc làm này đã gây tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp. Vụ việc được nhiều cơ quan tổ chức cảnh báo và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an cũng đã vào cuộc.
Sau khi có những thông tin phản ánh về việc Công ty CP địa ốc Alibaba và Công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh tự ý phân lô, rao bán nền đất trồng cây lâu năm tràn lan ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã phát đi cảnh báo về hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản của công ty này. Ngày 16-11, HoREA tiếp tục công bố thêm những điểm bất thường của 2 doanh nghiệp này, đồng thời cảnh báo rủi ro đến người mua nền và nhà đầu tư thứ cấp...
Vụ việc Alibaba thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.
HoREA cho hay, qua đơn tố giác của người tiêu dùng, đối với 2 công ty cùng tên Alibaba, lộ ra ngày càng nhiều dấu hiệu nghi vấn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, người mua nền cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra trước khi cơ quan có trách nhiệm vào cuộc.
Nhất là trước những thông tin sai sự thật về việc công ty CP Alibaba Tây Bắc và công ty CP Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha, pháp lý là sổ đỏ thổ cư 100%", thuộc khu đô thị Tây Bắc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Được biết, Công ty CP Alibaba Tây Bắc và Công ty CP Địa ốc Alibaba có trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, nhưng mọi hoạt động lại diễn ra tại chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Sơ đồ phân lô nền dự kiến của Công ty CP Địa ốc Alibaba Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Theo thông tin của Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc, dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại khu VIII - 3 thuộc khu đô thị Tây Bắc. Đây cũng là một trong 133 dự án được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào thành phố được tổ chức ngày 11-10 vừa qua. Cụ thể, dự án có diện tích 91,45 ha thuộc một phần của khu VIII, khu đô thị Tây Bắc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.
Dự án được quy hoạch để xây dựng nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị, y tế ... Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu đất này chưa thực hiện, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng giao thông kết nối với các dự án đang được kêu gọi đầu tư khác. Dự án cũng chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên việc phân lô bán nền cũng chưa thể thực hiện. Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đến nay vẫn chưa thực hiện nên việc 2 công ty trên không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư.
Việc rao bán đất quy hoạch chỉ là chiếc “bánh vẽ”, Công ty CP Địa ốc Alibaba còn ghi "đây là sơ đồ dự kiến cùng các thông tin đang chờ duyệt. Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đang trong quá trình bàn giao cho Công ty CP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư nên dự kiến quý 1-2018 sẽ tiến hành làm cơ sở hạ tầng".
HoREA thành phố khẳng định, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch Khu đô thị, nên việc công ty CP Địa ốc Alibaba, Công ty CP Alibaba Tây Bắc thành phố không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.
Ngoài công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý; chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh. Hai công ty này còn có dấu hiệu bất thường ở việc tăng vốn điều lệ “ảo”.
Lá thư xin lỗi của lãnh đạo công ty Alibaba.
Cụ thể, thành lập hồi tháng 5-2016, với vốn điều lệ 1 tỉ đồng, nhưng chỉ 1 năm sau vốn điều lệ của Công ty CP Địa ốc Alibaba tăng lên 1.600 tỷ đồng. Công ty CP Alibaba Tây Bắc cũng vậy, việc công ty này đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, con số quá lớn khiến nhiều người nghĩ đến sự bất thường…
Gần đây, công ty CP Địa ốc Alibaba đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do đơn vị này làm chủ đầu tư, trong đó có dự án Alibaba “nhận vơ”. Chẳng hạn như dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự mà chủ đầu tư là công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, trụ sở tại 16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Còn với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5..., theo ông Trương Văn Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành thì không có dự án nào do Công ty CP Địa ốc Alibaba… làm chủ đầu tư.
Ông Trần Dũng, một khách hàng của Công ty CP địa ốc Alibaba gửi đơn tố giác lên HoRAE khiếu nại về việc mua 3 lô đất liền kề 27, 28, 29 tại dự án Long Phước 5. Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Địa ốc Alibaba giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho ông Dũng, nhưng cho đến nay, Công ty CP địa ốc Alibaba chưa có văn bản phúc đáp. Việc này đã gây tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng…
Thay vì có văn bản phúc đáp, trước các cảnh báo của nhiều cơ quan, tổ chức như kể trên, lãnh đạo Công ty CP Địa ốc Alibaba đã gửi thư xin lỗi. Ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba, tự xưng là “CEO cùi bắp” đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đối tác về những việc ồn ào tại dự án Tây Bắc Củ Chi.
Phối cảnh nhà phố khu dân cư của Công ty CP Alibaba Tây Bắc.
Ông “CEO cùi bắp” thừa nhận thời gian qua Công ty CP Địa ốc Alibaba đã đưa ra đặt chỗ dự án Tây Bắc Củ Chi với giá 5,5 triệu đồng/m² với mong muốn khách hàng “bình ổn thị trường”, tránh mua phải những sản phẩm giá cao hơn. Và Công ty CP Địa ốc Alibaba đưa ra “chiến lược Tây Bắc Củ Chi” chỉ nhằm giữ khách hàng trong lúc công ty… hoàn thiện các hồ sơ dự án và mong khách hàng “thông cảm” và “thấu hiểu” cho công ty.
Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban quản lý KĐT Tây Bắc kiểm tra hoạt động của công ty CP Alibaba Tây Bắc thành phố về dự án KĐT Tây Bắc Củ Chi để báo cáo và đề xuất thành phố hướng xử lý đối với doanh nghiệp này.
Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu BQL KĐT Tây Bắc phối hợp với huyện Củ Chi kiểm tra, nắm kỹ tình hình để kịp thời có phương án xử lý, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Trong lúc chờ kết quả kiểm tra, xử lý, ngày 20-11, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cũng đã phát đi cảnh báo khẩn cấp đến người tiêu dùng và các nhà đầu tư thứ cấp cần cảnh giác và tỉnh táo; tránh bị thiệt hại có thể xảy ra trước việc Công ty CP Alibaba Tây Bắc và Công ty CP địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư; tự ý công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Do đó, các tỉnh liên quan đến những dự án do nhóm trên công bố mở bán cũng cần nhanh chóng kiểm tra, chặn ngay hành vi lừa dối khách hàng, gây hoang mang cho thị trường bất động sản do Alibaba gây ra
Trên chuyên đề ANTG số 1696 (ngày 9-8-2017) cũng đã có bài phản ánh về những chiêu trò chiếm dụng vốn của một số công ty bất động sản bằng hình thức nhận tiền giữ chỗ. Chiêu trò nhận cọc giữ chỗ của Công ty CP Alibaba Tây Bắc tại dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với khoảng 1.000 nền nếu chỉ nhận cọc giữ chỗ 50 triệu/ nền công ty này cũng đã có thể huy động được 50 tỷ đồng. Một con số không nhỏ.
Luật sư Trần Huy Thế, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, cho rằng với việc nhận tiền giữ chỗ, đặt cọc… đây cũng là một hình thức huy động vốn. Nếu việc mua bán không thành mà chậm chi trả, không trả cũng không khác hình thức chiếm dụng vốn… Trong dự án “bánh vẽ” này, hành vi bán đất chưa được công nhận, bán đất “ảo” có thể cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Chiều 23-11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, cho biết đã làm việc với các sở, ngành TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Tại buổi làm việc, C46 đã thu thập các thông tin về hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba. Tính đến ngày 21-11, Công ty CP địa ốc Alibaba nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỉ đồng trong dự án này.
Theo C46, ngày 22-11, cơ quan công an đã làm việc với bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Giám đốc pháp lý của Công ty Alibaba, bà Trinh được ông Nguyễn Thái Lĩnh (người đại diện theo pháp luật của công ty) ủy quyền làm việc với cơ quan công an. C46 đã ghi nhận thông tin về việc đầu tư, kinh doanh dự án tại Khu đô thị Tây Bắc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Làm việc với C46, bà Trinh đã cung cấp một số tài liệu liên quan như phiếu đặt chỗ dự án, sơ đồ phân lô dự kiến dự án, danh sách đặt chỗ của khách hàng…
Hiện C46 đang tiến hành điều tra làm rõ. C46 khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm.