MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ý tưởng lấn đê sát bờ hữu Hồng của Hà Nội là mạo hiểm

07-11-2017 - 09:36 AM | Bất động sản

Theo “Dự án “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội” được UBND TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam triển khai, đề xuất đẩy lấn đê bờ hữu ra sát sông Hồng để lấy không gian phát triển đô thị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc làm này quá… mạo hiểm.

Một loạt các tỉnh bị ảnh hưởng

Cụ thể, triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội”.

Trên cơ sở Quyết định số 257, dự án xây dựng không gian thoát lũ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới. Số hộ dân cần di dời phục vụ dự án là 2.206 hộ. Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại. Mục tiêu Hà Nội hướng tới là bảo vệ vùng dân cư hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị ven sông. Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan - Đại Độ, Tầm Xá - Xuân Canh, Chương Dương - Xuân Quan...

Trao đổi về ý tưởng này của Hà Nội, GS Vũ Trọng Hồng Chủ tịch Hội Thủy lợi nhận định, nếu TP Hà Nội lùi đê ra bờ sông sẽ tác động đến một loạt các tỉnh thượng lưu và hạ lưu sông Hồng như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình... Các tỉnh này có nguy cơ ngập lụt vào mùa lũ, nguy cơ xói mòn cao. Ngoài ra, việc này ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp, các cánh đồng ven sông Hồng sẽ bị úng ngập.

Sẽ trình Thủ tướng quy hoạch

Cũng theo GS Vũ Trọng Hồng, các tỉnh, thành phố chung một dòng sông đều phải tuân theo quy định chung của Thủ tướng Chính phủ. Việc lấn đê như đề cập phải được sự đồng ý của Chính phủ và cần phải nghiên cứu kỹ.

“Việc phòng chống lũ lụt vẫn phải nhờ vào đê điều, không thể ỷ lại vào các đập thủy điện bởi bài học đắt giá vừa qua khi hồ Hòa Bình phải xả 8 cửa đáy làm mực nước hạ lưu các sông dâng cao, đe đọa nhiều vùng”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết. GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại, việc xây dựng hai tuyến đường giáp ven sông Hồng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ.

Còn GS. Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Bộ NN&PTNT cho rằng, để có được một tuyến đê đảm bảo tiêu chuẩn thì kinh phí sẽ rất tốn kém, đó là còn chưa kể vị trí lấn đê như thế nào. Bên cạnh đó, việc lấn đê ra sát bờ sông Hồng cũng đồng nghĩa với việc hành lang thoát lũ bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xả lũ, thoát lũ từ thượng nguồn.

Liên quan đến lo ngại của các chuyên gia, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ cho rằng, ý tưởng lấn đê ra sát bờ sông Hồng là quan điểm của Hà Nội. Hiện tại, Sở đang phối hợp thực hiện lập Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Nếu đẩy ra sát bờ sông thì đê cũ vẫn được để nguyên, không phá bỏ. Song, để thực hiện được điều này phải có sự đồng ý của Thủ tướng. Hiện, chúng tôi mới đang làm quy hoạch để trình lên”. Được biết, tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội liên quan đến Quy hoạch này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng chưa bày tỏ quan điểm về đề xuất của Hà Nội. Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ chỉ có quan điểm khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được điều chỉnh Quy hoạch.

Theo Chi Linh

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên