Yến sào Việt Nam “rộng đường” sang Trung Quốc
Sau 5 năm đàm phán, Trung Quốc đã chính thức đồng ý để yến sào Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này bằng con đường chính ngạch, nếu đáp ứng được 16 điều quy định.
Đây là tin vui với người chăn nuôi, doanh nghiệp, bởi so với các nước khác, chất lượng yến sào Việt có chất lượng vượt trội, nhưng bị cạnh tranh về giá.
Theo đó, 16 điều các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu là yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Nghị định thư có hiệu lực từ cuối năm 2022, là bước đi đầu tiên để tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Nghị định thư có thời hạn 5 năm và tự động gia hạn mỗi 5 năm kế tiếp nếu không có vi phạm.
Tăng giá trị nông sản qua xuất khẩu chính ngạch
Với sản lượng 150 - 200 tấn/năm, tổ yến Việt Nam thời gian qua chủ yếu được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và thu về thu về khoảng 200 - 300 triệu USD/năm. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Sơ chế sản phẩm yến tinh tại cơ sở yến sào ở TP Rạch Giá, Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN)
Việc Trung Quốc chính thức nhập khẩu yến chính ngạch được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Công ty TNHH Yến sào Nam Hải đang có đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc với khoảng 300 - 500 kg yến mỗi tháng. Cánh cửa lớn đang mở ra khi thị trường này nhập khẩu chính ngạch yến sào Việt Nam.
"Hiện giá tại thị trường Trung Quốc dao động từ 7 - 30 triệu đồng/100g. Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc loại hàng xuất khẩu tiêu chuẩn 5A thì giá sỉ trong làng yến đang bị khống chế bởi thương lái Trung Quốc khi họ chỉ mua với giá 3,6 triệu đồng", ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Nam Hải, cho biết.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới khi mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu.
Việt Nam có trên 30.000 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 200 tấn/năm được kỳ vọng xuất khẩu với sản lượng vượt trội khi tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực.
"Từ trước tới nay, doanh nghiệp yến Việt Nam đang đi trên con đường nhỏ, thôn, xóm, như vậy rất là chậm và không biết đi đến đâu, đi được xa hơn hay không. Sau khi ký Nghị định thư, rõ ràng, tất cả các doanh nghiệp sẽ được ra một đại lộ lớn hơn", ông Trần Phương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tổ Yến Việt Nam - VinBirdnest, cho hay.
"Sẽ rà soát các nhà yến đã đăng ký với Trung Quốc và phải có mã số nhà yến đó. Về vùng an toàn dịch bệnh, chúng ta đã có kinh nghiệm khi làm vùng an toàn trên da cầm và trên chăn nuôi lợn. Chúng ta đã xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, xuất khẩu thịt lợn sang Hong Kong, Hàn Quốc. Với kinh nghiệm đó, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu yến sào chính ngạch
Trước mắt, phía Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu sản phẩm yến đã sơ chế, được xử lý qua nhiệt độ 70oC.
Sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư sẽ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy. Ngay khi Nghị định thư có hiệu lực, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Mỗi một nhà yến sẽ được cấp 1 mã số. Đây là một trong các điều kiện để yến sào Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan thú y cũng sẽ cấp 1 chứng thư để đảm bảo hoàn tất thủ tục giúp yến sào có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Vì vậy doanh nghiệp cần liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ hoàn tất thủ tục xuất khẩu.
Hội nghị tập huấn chuyên về kỹ thuật để hướng dẫn chi tiết các tiêu chuẩn, quy chuẩn phía Trung Quốc đưa ra buộc các doanh nghiệp phải thực hiện để được xuất khẩu chính ngạch đã được tổ chức. Tập huấn kỹ thuật ngay khi nghị định thư có hiệu lực giúp doanh nghiệp chuẩn bị nhanh nhất hồ sơ pháp lý.
Sơ chế tổ yến thô trước khi được đưa đi chế biến thành các sản phẩm của yến sào. (Ảnh: TTXVN)
"Những chủ nhà yến hoặc chi hội như yến làng của chúng tôi, việc đọc Nghị định thư sẽ không kỹ bằng các cơ quan ban ngành. Trong buổi hôm nay, các slide đã đưa ra chi tiết, cụ thể nội dung trong Nghị định thư để có thể thực hiện", bà Lý Đàm Mai Loan, Chủ tịch Chi hội Yến sào Tây Ninh, cho biết.
"Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành sớm công nhận các cơ sở nhà yến hiện hữu đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công năng của nhà yến", ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đề xuất.
Cục Thú Y sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Với kinh nghiệm xử lý vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, những đợt khảo sát sẽ giúp doanh nghiệp được gỡ khó trong quá trình hoàn thiện thủ tục xuất khẩu.
"Hướng dẫn, giới thiệu những yêu cầu về giám sát, đồng thời đi vào chi tiết từng nội dung giám sát, vì đó là những vấn đề kỹ thuật, mất nhiều thời gian, nên đầu tiên sẽ là giám sát về dịch bệnh. Yêu cầu thứ hai là giám sát về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, hướng dẫn vào hệ thống đăng ký hải quan của phía Trung Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu xem phải nộp những thông tin gì, đăng tải những thông tin gì... ", ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Hiện định mức yến xuất khẩu sang Trung Quốc còn hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ để sớm có lô yến đầu tiên xuất khẩu chính ngạch, từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục nhanh nhất.
VTV.VN