Yêu cầu làm rõ thông tin đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ
Việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu...
- 27-02-2018Vì sao đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu?
- 24-02-2018Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân
- 08-02-20182018: Giá xăng dầu tác động tới CPI là không đáng lo ngại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu một số bộ ngành làm rõ thông tin báo chí phản ánh các đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ phản ánh việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.
Trước đó, dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, báo chí phản ánh năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc hưởng lợi này xuất phát từ chính sách tính thuế chưa hợp lý của cơ quan điều hành giá xăng dầu.
Phân tích cụ thể, cơ quan kiểm toán cho biết, qua kiểm toán sổ sách thực tế riêng mặt hàng dầu diesel các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi khi thuế nhập xăng từ ASEAN (ATIGA- 10%) từ 5-25% trong năm 2015; và 0,6 - 10% năm 2016.
Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng. Đơn vị lãi nhiều nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, liên Bộ xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) tại 4 kỳ điều hành (tháng 7 và 8/2016) là hơn 216 tỷ đồng. Liên Bộ cũng xác định chưa hợp lý về tỷ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tính thiếu 214 tỷ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 đơn vị đầu mối.
Cơ quan kiểm toán kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, có thể ở mức 0%, để thuận lợi trong quản lý, điều hành giá và hạn chế tối đa trốn lậu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng được kiến nghị sửa đổi để phù hợp tính toán giá cơ sở, đảm bảo nghĩa vụ thuế và tránh thất thu ngân sách.
Vneconomy