Yếu tố tiền tệ chi phối lớn đến lạm phát năm nay
Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm đang ở mức 1,81%, rất sát với mức 1,82% của chỉ số giá tiêu dùng bình quân...
- 08-07-2016Bóng ma lạm phát có quay trở lại?
- 22-06-2016Sắp thay đổi thước đo tính lạm phát
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 7 tháng, CPI đã tăng 2,48% - bằng một nửa mục tiêu kế hoạch cả năm so với tháng 12 năm trước.
Đây là mức tăng khá thấp so với diễn biến giá cả một số tháng gần đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm đang ở mức 1,81% rất sát với mức 1,82% CPI bình quân cho thấy yếu tố tiền tệ đang chi phối rất lớn đến lạm phát năm nay.
Trong tháng 7 này có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,19% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Mặc dù có tới hai đợt điều chỉnh giảm giá vào ngày 20/6/2016 và ngày 5/7/2016, nhưng tác động khá lớn của đợt điều chỉnh tăng giá trước đó vào ngày 4/6/2016 khiến giá xăng dầu bình quân tháng 7/2016 vẫn tăng so với tháng trước.
Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu các loại, giá dầu hỏa cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14% so với tháng trước.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao cũng góp phần lớn vào việc tăng giá của nhóm hàng quan trọng này.
Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng do sức mua của người dân chưa phục hồi mạnh mẽ khiến chỉ số giá các nhóm hàng đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc mũ nón giày dép và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình chỉ tăng nhẹ dưới 0,1% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, tuy chỉ có một nhóm hàng giảm giá so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm bưu chính viễn thông nhưng do quyền số lớn nên đã tác động đáng kể kìm bớt mức tăng của chỉ số chung.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,05% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,64%, thực phẩm giảm 0,01% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% so với tháng trước.
Tiếp đà của tháng trước, giá lương thực bán lẻ trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung từ hai vựa lúa lớn của cả nước dồi dào sau các vụ thu hoạch Đông Xuân ở miền Bắc và Hè Thu ở miền Nam.
Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo cũng đang gặp khó khăn khiến nguồn cung lúa gạo trong nước đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Theo dự báo, trong thời gian ngắn, giá lúa gạo còn tiếp tục giảm.
Xét diễn biến giá cả của các vùng kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng tăng thấp nhất ở mức 0,03% trong khi tăng cao nhất là vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung tăng 0,19% so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 5,36% và giảm 0,21% so với tháng trước.
VnEconomy