MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review

03-09-2020 - 19:30 PM | Sống

Nếu là người có niềm đam mê với máy bay hay những nội dung du lịch sang chảnh, bạn nhất định không thể bỏ qua kênh YouTube thú vị này.

Thời buổi hiện tại, máy bay dần trở thành loại phương tiện quen thuộc mà người người, nhà nhà ưu tiên lựa chọn trong những chuyến đi xa. Thay vì phải tốn cả núi thời gian ngồi trên tàu hoả hoặc xe khách, giờ đây bạn chỉ cần bỏ ra trung bình từ vài chục phút đến hàng tiếng đồng hồ là đã đặt chân được đến địa điểm mà mình mong muốn. Hơn thế nữa, giá vé máy bay ngày nay cũng rẻ hơn trước rất nhiều, càng là cơ hội để mọi người tiếp cận loại hình di chuyển này.

Tuy vậy, việc thiếu đi những kênh thông tin về lĩnh vực hàng không cũng là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều người cảm thấy đi máy bay có lẽ là việc "không tưởng" đối với họ. Đi ngược lại với phần đông YouTuber hiện tại, kênh Yêu Máy Bay lại chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác biệt. Thay vì chỉ review về các địa điểm check-in hay trải nghiệm ở khách sạn - resort 5 sao, travel blogger này mang đến cho người xem những góc nhìn thật khác về "luxury travel" (du lịch sang chảnh) thông qua những trải nghiệm sang - xịn - mịn trên bầu trời.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 1.

Chọn cho mình hướng đi khá riêng biệt so với nhiều YouTuber khác, người đàn ông này chính là một trong những blogger review về lĩnh vực du lịch hàng không đình đám nhất Việt Nam hiện nay

Cùng trò chuyện với blogger Yêu Máy Bay để hiểu thêm về người đàn ông với niềm đam mê mãnh liệt cùng những "con chim sắt" trên bầu trời này nhé!

MỖI NĂM TÔI BAY CẢ TRĂM CHUYẾN, ĐI TỔNG CỘNG 30 QUỐC GIA VÀ 62 HÃNG HÀNG KHÔNG!

Đầu tiên, anh hãy giới thiệu qua một chút về bản thân mình?

Tôi là Trần Việt Phương, viết ngắn gọn là Travip. Đó cũng là cái tên mà những khán giả theo dõi tôi biết đến. Tôi đã gần 40, một cái tuổi ít thuận lợi khi làm vlogger toàn thời gian. Đây cũng là công việc duy nhất tôi làm trong suốt 4 năm qua.

Do đâu mà anh có ý định review về du lịch hàng không - một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam mà hiếm thấy travel blogger nào hướng đến?

Từ khoảng 5, 6 năm trước, tôi đã lập vài kênh YouTube về du lịch và hàng không với nội dung tiếng Anh, còn đầu tư nghiêm túc cho kênh Yêu Máy Bay thì chính xác là từ cuối tháng 3/2017.

Cơ duyên đến với công việc này cũng rất tình cờ. Hồi trước, vì áp lực công việc nên tôi thường dành thời gian rảnh để đi du lịch. Với kinh nghiệm sau nhiều năm trải nghiệm các hãng hàng không, tôi tham gia viết bài trên Flight-Report, một trang nổi tiếng chuyên review về các chuyến bay. Rồi tôi chợt nghĩ tại sao thế giới có cộng đồng hay như vậy mà Việt Nam mình thì không?

Đầu năm 2014, tôi lập một trang Facebook để chia sẻ các trải nghiệm, kinh nghiệm đi máy bay của mình. Năm 2015, tôi khởi động blog riêng cho Yêu Máy Bay. 1 năm sau, tôi nghỉ công việc đang làm ổn định để trở thành blogger toàn thời gian và đầu năm 2017, tôi lập kênh YouTube Yêu Máy Bay cho đến nay.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 2.

Travip là biệt danh mà nhiều khán giả thường gọi anh, là viết tắt cho cái tên Trần Việt Phương

Trung bình mỗi tháng anh bay nhiều nhất là bao nhiêu chuyến?

Năm ngoái là năm tôi bay nhiều nhất với tổng cộng 119 chuyến với cả máy bay thương mại, thuỷ phi cơ, trực thăng. Chia ra trung bình khoảng 10 chuyến/tháng, nhưng cũng có tháng cao điểm tôi bay tới 16 chuyến.

Tính riêng tại Việt Nam, anh đã được trải nghiệm hết các đường bay nội địa hay chưa? Nếu chưa, đâu là nơi anh muốn chinh phục tiếp theo?

Dù chưa thể đi hết được nhưng tôi tự hào vì đã đặt chân tới hầu hết các sân bay dân dụng đang hoạt động ở Việt Nam, kể cả những toạ độ ít người biết như sân bay Vũng Tàu, sân bay Điện Biên Phủ, sân bay Cà Mau, sân bay Rạch Giá hay thậm chí là bến đáp thuỷ phi cơ Hải Âu ở đảo Tuần Châu (Hạ Long). Sắp tới, hy vọng tôi sẽ được trải nghiệm nhiều hơn nữa.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 3.

Anh Travip chụp ảnh tại bến đáp thuỷ phi cơ Hải Âu trên đảo Tuần Châu (Hạ Long).

Nói về các đường bay quốc tế, tính tới thời điểm hiện tại anh có nhớ mình đã đặt chân đến tổng cộng bao nhiêu quốc gia, trải nghiệm bao nhiêu hãng hàng không?

Tôi cũng không nhớ rõ lắm, có lẽ là gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn về hãng hàng không thì tôi đã được bay với 62 hãng, từ những hãng truyền thống đến hãng chi phí thấp hay cả các loại hình độc đáo như thuỷ phi cơ, trực thăng.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 4.

Tính tới nay, nam YouTuber đã trải nghiệm được 62 hãng hàng không với đủ mọi loại hình độc đáo như máy thương mại, thuỷ phi cơ, trực thăng.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, anh cũng từng đặt chân qua 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn cầu.


THU NHẬP CỦA TÔI ỔN NHƯNG CHƯA BAO GIỜ LÀ ĐỦ, CÓ BAO TIỀN LÀ ĐẦU TƯ HẾT CHO MÁY BAY!

Sở hữu kênh vlog được đầu tư hoành tráng với phần lớn là các video trải nghiệm trên những chuyến bay hạng thương gia xa xỉ, nhiều khán giả thắc mắc kinh phí đâu mà anh lại "chơi lớn" đến vậy?

Nói "chơi lớn" thì cũng hơi quá vì tôi chưa đạt tới cấp độ trải nghiệm siêu sang chảnh gì đâu. Những trải nghiệm của tôi thì nhiều người cố gắng một chút cũng có được. Mọi người cũng từng hỏi rất nhiều về vấn đề kinh phí và thường tôi không trả lời, bởi vì tôi muốn khán giả tập trung nhiều hơn vào nội dung của mình. Nhưng thật sự là kênh Yêu Máy Bay được đầu tư khá nhiều tiền của đấy, 1 năm bay gần 120 chuyến, chưa kể những chuyến đi khác không liên quan đến máy bay.

Lúc trước, tôi có làm phó trưởng ban ở một tờ báo điện tử. Điều này giúp tôi hiểu được việc phải cân đối giữa tài chính và kế hoạch sản xuất nội dung. Sau khi nghỉ việc, tôi dùng hết số tiền tiết kiệm để sống và đầu tư cho du lịch. Về sau, công việc khó khăn hơn khi tiền tiết kiệm dần cạn kiệt mà kênh thì vẫn chưa phát triển như mong muốn. Tôi đành vận dụng các kỹ năng khác như săn vé giá rẻ, nâng hạng chi phí thấp, sử dụng điểm thưởng tích luỹ từ trước để đặt vé và phòng khách sạn. Ngoài ra, tôi phải tính toán xem qua mỗi chuyến đi mình sẽ làm được bao nhiêu nội dung cho kênh, điều đó giúp tôi có nhiều vlog để phát đều đặn mà không cần phải di chuyển quá dày.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 6.

Hiếm người biết blogger Yêu Máy Bay từng công tác tại một tờ báo điện tử nổi tiếng trước khi "dấn thân" vào lĩnh vực YouTube

Nguồn thu nhập từ công việc này có hỗ trợ anh nhiều trong việc đầu tư cho những chuyến bay đắt đỏ?

Số tiền thu được từ YouTube có giúp tôi giảm bớt gánh nặng chi phí, tuy nhiên chưa bao giờ là đủ. Tiền thu được bao nhiêu tôi lại đổ hết vào các chuyến đi tiếp theo. Làm YouTuber về mảng này như một cuộc chạy đua liên tục không thể dừng lại. Dừng lại thì không có nội dung, khiến kênh tụt dốc, công sức gầy dựng bao năm qua cũng "đổ sông đổ biển". Tiếc lắm!

Mùa dịch Covid-19 như hiện tại gây ảnh hưởng thế nào đến lịch trình làm việc cũng như thu nhập của anh?

Ảnh hưởng nặng nề chứ! Những hạn chế đi lại hay sự đóng băng của ngành du lịch cũng đủ khiến một người cuồng xê dịch như tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Không bay được nước ngoài, thu nhập giảm sút nhưng tôi vẫn phải cố gắng duy trì kênh. May thay, hiện tại tôi vẫn còn kho tư liệu để dùng làm vlog mới trong những ngày chẳng đi đâu được. Game càng khó lại càng gây nghiện, biết sao giờ?

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 7.

Đối với người cuồng xê dịch như anh, dịch Covid-19 thực sự gây ảnh hưởng rất nặng nề đến công việc cũng như cuộc sống thường ngày.

TÔI THẤY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM GIỜ KHÔNG THUA KÉM GÌ THẾ GIỚI!

Theo anh, hàng không Việt Nam có những ưu - khuyết điểm gì cần khắc phục nếu so với quốc tế?

Thực ra trong những năm qua, tôi thấy hàng không Việt Nam cũng không thua kém gì nhiều so với các hãng quốc tế. Các chuyến bay nhiều hơn, tần suất dày hơn, liên tục mở thêm nhiều đường bay mới, giá cả hợp lý. Ngoài ra, máy bay của họ cũng khá mới. Tôi thấy so với nhiều năm trước, hàng không Việt Nam đã tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, ai cũng có cơ hội được đi máy bay một lần trong đời. Giờ đây, vé máy bay đôi khi còn rẻ hơn cả vé tàu xe.

Là người đi máy bay "nhiều như cơm bữa", chắc hẳn anh sẽ có cái nhìn khách quan nhất về các hãng hàng không trong nước. Theo anh, điểm nổi trội nhất của từng hãng là gì?

Mỗi hãng sẽ có những thế mạnh riêng để thu hút khách. Vietnam Airlines nổi trội với đội tàu bay đông đảo trên 100 chiếc, có mạng lưới phủ rộng khắp Việt Nam và thế giới khi kết nối cùng mạng bay của liên minh Skyteam. Bamboo Airways thì nổi bật với tinh thần hiếu khách và tỷ lệ bay đúng giờ. Còn Vietjet thì gây ấn tượng bởi giá rẻ và độ phủ sóng rộng khắp Việt Nam, kết nối các thành phố nhỏ với nhau. Pacific Airlines (trước là Jetstar Pacific) gây ấn tượng với tôi bằng việc thực đơn trên chuyến bay thay đổi theo chu kỳ và luôn cập nhật nhiều món ngon, mới lạ.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 8.

Theo anh, các hãng hàng không Việt Nam giờ không thua kém gì nhiều so với thế giới

Đâu là hãng hàng không quốc tế để lại ấn tượng nhất đối với anh? Vì sao?

Singapore Airlines xứng đáng là hãng hàng không 5 sao giữ ngôi vị đầu bảng thế giới trong nhiều năm liền. Dịch vụ của họ hoàn hảo từ hệ thống bán vé trên ứng dụng cho đến các tiện ích đi kèm. Tất cả đều được tính toán thông minh sao cho khách hàng thuận tiện nhất. Vé Singapore Airlines thường đắt hơn hãng khác nhưng ai cũng muốn bỏ tiền ra đi. Ghế ngồi của họ được thửa riêng với những thiết kế tinh tế đúc kết từ chính trải nghiệm của người dùng. Tiếp viên thì chuyên nghiệp và chu đáo, khiến tôi cảm thấy mình được chăm sóc như "thượng đế" thật sự. Đồ ăn trên máy bay cũng rất chất lượng.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 9.

Nam travel blogger chụp ảnh tại trụ sở hãng hàng không Singapore Airlines

Với những chuyến bay được tài trợ, anh làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố review chân thật đến khán giả nhưng cũng đảm bảo tinh thần của các hãng hàng không?

Đây cũng là điều khiến tôi băn khoăn trong những ngày đầu làm vlog. Tuy nhiên, tôi may mắn làm việc với các hãng hiểu rõ công việc của mình. Tôi và họ thoả thuận rõ ràng ngay từ đầu rằng sẽ luôn có khen và có chê, đó cũng là lý do khiến tôi từ chối một số hãng vì cảm thấy không phù hợp. Mặt khác, chuyện đánh giá đôi khi cũng là tương đối, ví dụ đồ ăn trên máy bay có thể ngon đối với tôi nhưng người khác lại thấy khó ăn.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 10.

Đối với những chuyến bay được tài trợ nam YouTuber luôn cố gắng cân bằng giữa tinh thần mà các hãng hàng không đưa ra cũng như yếu tố chân thật đến với khán giả

TỪNG CÓ LÚC TÔI ỨC CHẾ ĐẾN PHÁT KHÓC, MUỐN TỪ BỎ SỰ NGHIỆP!

Thường xuyên chia sẻ về cuộc sống "trên không trung" của mình như vậy, không biết một ngày bình thường "dưới mặt đất" của anh sẽ ra sao?

Ngày trước tôi có tập gym nhưng giờ thì không còn thời gian cho việc đó nữa. Tôi không đam mê gì khác ngoài việc làm vlog về hàng không và du lịch. Nếu không đi đâu thì một ngày tôi sẽ cắm đầu làm video, rảnh thì hẹn anh em, bạn bè đi cafe, xem phim, ăn uống. Rảnh hơn nữa mà có điều kiện thì tôi tự thưởng cho mình một chuyến đi đúng nghĩa, không bận tâm quay phim, chụp ảnh, không phải tính toán chuyến này đi về làm được bao nhiêu vlog. Nhưng thường những chuyến đi như vậy rất ít.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 11.

Gần như toàn bộ thời gian của mình, anh đều dành để đầu tư cho kênh YouTube Yêu Máy Bay

Những khó khăn phải đối mặt khi làm công việc reviewer máy bay? Có bao giờ anh định từ bỏ đam mê của mình?

Làm nghề này, tôi được sống đúng với đam mê của mình. Đổi lại, tôi mất khá nhiều thứ: Sức khoẻ, những đêm mất ngủ vì lo âu, những giai đoạn dài trầm cảm vì kênh đi xuống, các mối quan hệ bạn bè, cuộc sống riêng tư với gia đình cũng dần trở nên nhạt nhoà.

Có những lúc khó khăn quá tôi đã định buông xuôi không làm nữa, tìm một công việc ổn định, quay lại cuộc sống công sở mà tôi cho là nhàm chán. Tôi còn nhớ như in cảm giác ức chế đến phát khóc khi ngồi ngay sảnh của 1 khách sạn bình dân ở San Francisco (Mỹ) đăng mãi không xong một video lên YouTube, mạng khách sạn và mạng điện thoại đều tê liệt trong khi giờ phát sóng thì đã qua rồi.

Nhưng thật tình mà nói những lúc như vậy tôi không còn đường lui, cứ thế mà gắng gượng bước tiếp thôi. Thành quả thì đâu phải muốn là có được ngay, dễ vậy thì ai cũng thành công rồi.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 12.

Đã có lúc anh Travip định từ bỏ công việc này vì quá áp lực và thiếu kinh phí

Gia đình, người thân hay bạn bè suy nghĩ như thế nào về công việc có phần "bay nhảy" của anh?

Gia đình tôi ban đầu còn không hiểu rõ tôi đang làm cái quái gì, họ còn hỏi nghề đó có đủ nuôi tôi không? Đến bây giờ bố mẹ tôi cũng chưa hiểu hết về mọi thứ tôi đang làm. Bạn bè thì một số bày tỏ sự ngưỡng mộ, nhưng cũng không thể hiểu hết được. Họ nghĩ công việc này đơn thuần là làm một chuyến du lịch rồi tung video lên mạng thôi. Duy chỉ có những anh em trong nghề mới hiểu được tính chất công việc của tôi.

Anh dự định sẽ còn làm YouTuber review máy bay trong bao lâu? Nếu không theo đuổi công việc này nữa, anh nghĩ mình sẽ làm nghề gì?

Tôi vẫn thích công việc chia sẻ các câu chuyện. Thực ra việc làm báo khi xưa và làm YouTube bây giờ không khác nhau nhiều lắm, cũng là đi ra ngoài ghi lại những gì mình thấy và chia sẻ lại theo góc nhìn của mình. Có khác chăng là phương tiện thể hiện những câu chuyện ấy. Cho nên tôi nghĩ tôi sẽ làm công việc này dài lâu. Ví dụ sau này có hình thức mới bên cạnh YouTube thì tôi lại cập nhật và thể hiện trên phương tiện đó thôi.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 13.

Dù đã 40 tuổi, anh Travip vẫn dự định đồng hành cùng công việc reviewer máy bay trong thời gian dài

Nếu có người cũng yêu thích công việc trở thành YouTuber/ reviewer máy bay, anh có lời khuyên nào dành cho họ không? Những thứ cần chuẩn bị chẳng hạn?

Tôi khuyến khích những ai có cùng đam mê hãy lập một kênh cho riêng mình. Nhưng trước khi trở thành một reviewer thì cũng nên có thời gian trải nghiệm đủ đã, như vậy cách nhìn của các bạn về mọi thứ sẽ sâu sắc và đa chiều hơn. Lời khuyên thứ hai là hãy kiên trì với đam mê vì thành quả không đến ngay và phải "nếm mật nằm gai" mới có. Thêm nữa, hãy hướng nội dung của mình vào những điều có ích cho cộng đồng, giúp họ nhìn thấy đa chiều cuộc sống và tuyệt đối không mang những cảm xúc tiêu cực vào nội dung của mình.

Thời gian đầu nếu chưa có đủ khả năng đầu tư thiết bị "xịn" thì hãy dùng những gì mình có, miễn đừng quá tệ đến nỗi hình ảnh không ai xem được. Hãy tập trung nhiều vào nội dung và giữ nội dung được phát đều đặn, liên tục. Ngoài ra cũng cần tương tác thường xuyên với khán giả để hiểu họ cần gì.

YouTuber bị gắn mác “giàu ngầm” của Việt Nam: Từng đến 30 quốc gia, mỗi năm đổ hết tiền bạc đi hơn trăm chuyến bay xa xỉ để review - Ảnh 14.

Công việc nào cũng vậy, phải "trầy trật" lắm mới có thể đạt được thành công như mong đợi. Đặc biệt đối với một YouTuber review máy bay như anh Travip, áp lực còn nhiều hơn thế!

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!

Ảnh: NVCC

Theo Thành Nhân / Design: Tuấn Maxx

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên