Yuanta: Nhóm ngân hàng và thép còn ít dư địa tăng trưởng, VN-Index điều chỉnh trong vùng 1.283 – 1.300 điểm
Theo Yuanta, P/E TTM của chỉ số VN-Index đã gần mức P/E mục tiêu là 18.x cho thấy thị trường đã dần bước vào giai đoạn không còn “rẻ”.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Yuanta Việt Nam nhận định tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 5 nhìn chung là bị gián đoạn phần nào do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4.
Theo đó, tình hình đầu tư FDI có phần chững lại sau giai đoạn tăng mạnh vào tháng 3, tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5/2021 ước đạt 54 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên đã giảm nhẹ 0,6% tháng 4/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, XNK ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ.
Trong tháng 5 ghi nhận chỉ số CPI tăng 2,9% so với tháng 5/2020, đồng thời tăng 0,16% so với tháng trước đó. Dẫn đầu tiếp tục là nhóm giao thông với mức tăng 21,2%% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tiếp đà tăng mạnh 2,93% so với tháng 5/2021, xuất phát từ việc nguồn cung bất động sản hạn chế cùng với giá thép tăng mạnh.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ tháng 3 nhưng chậm lại. Yuanta cho rằng các đợt bùng phát dịch trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai sẽ làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế do tắc nghẽn ở đầu vào sản xuất, từ đó ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất trong tháng 6, nhất là tình trạng dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp.
Cũng do làn sóng mới của dịch bệnh, tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 5/2021 ước đạt 393,6 nghìn tỷ, giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng ước đạt gần 2.100 nghìn tỷ, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2020.
Tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5; đáng chú ý là tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm mạnh 1,91% so với tháng 4/2021.
Theo báo cáo, khối ngoại bán ròng hơn 11.500 tỷ trong tháng 5/2021, trong đó, lượng tiền bị rút ra mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và BĐS. Đặc biệt, HPG của Tập đoàn Hòa Phát là cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất trong tháng với giá trị bán ròng gần 4.000 tỷ đồng.
VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần nhất 1.283 – 1.300 điểm
Về dự báo kịch bản cho tháng 6/2021, P/E TTM của chỉ số VN-Index đã gần mức P/E mục tiêu là 18.x cho thấy thị trường đã dần bước vào giai đoạn không còn “rẻ”.
Yuanta cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần nhất 1.283 – 1.300 điểm. Đồng thời, với việc đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép không còn nhiều dư địa tăng trưởng ngắn và trung hạn. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và hạn chế mua vào, thậm chí có thể bán một phần tỷ trọng cổ phiếu.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị