MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Zuckerberg chính là thủ phạm 'đốt nhà' TikTok?

24-08-2020 - 17:03 PM | Tài chính quốc tế

Theo Thời báo Phố Wall, Mark Zuckerberg đã 'cài cắm' tư tưởng e ngại TikTok trong các cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump và những chính trị gia Mỹ khác.

Mùa thu năm ngoái, khi Mark Zuckerberg có bài phát biểu về tự do biểu đạt tại Washington, Mỹ, CEO Facebook còn có mục tiêu khác: báo động về nguy cơ từ các hãng công nghệ Trung Quốc, cụ thể hơn là ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok.

Nằm trong bài phát biểu có một câu chỉ đích danh đối thủ đang lên của Facebook: Zuckerberg nói với sinh viên Georgetown rằng TikTok không có chung cam kết tự do biểu đạt với Facebook, là đại diện cho sự rủi ro đối với sức mạnh công nghệ và giá trị Mỹ.

Đó cũng chính là thông điệp mà Zuckerberg "cài cắm" tại các cuộc họp với quan chức và nhà lập pháp trong chuyến thăm hồi tháng 10/2019 và chuyến thăm Washington vài tuần trước đó, Thời báo Phố Wall dẫn lời nguồn tin thân cận.

Trong bữa tối riêng tư tại Nhà Trắng cuối tháng 10/2019, Zuckerberg bày tỏ ý kiến về các doanh nghiệp Internet Trung Quốc có thể đe dọa doanh nghiệp Mỹ tới Tổng thống Trump . Đó nên là mối quan tâm lớn hơn cả việc ghìm cương Facebook.

Theo nguồn tin, Zuckerberg thảo luận về TikTok trong một số cuộc họp với các Thượng nghị sỹ khác. Cũng trong khoảng thời gian kể trên, Thượng nghị sỹ Tom Cotton – người đã gặp Zuckerberg vào tháng 9 – và Thượng nghị sỹ Chuck Schumer viết thư gửi quan chức tình báo, đề nghị điều tra TikTok. Không lâu sau, chính phủ tiến hành đánh giá an ninh TikTok và vào mùa xuân 2020, ông Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng vĩnh viễn. Tháng 8, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance – chủ sở hữu TikTok – phải thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Không nhiều công ty hưởng lợi lớn như Facebook một khi TikTok bị tiêu diệt. Mạng xã hội này cũng đóng vai trò tích cực trong việc dấy lên nỗi sợ hãi về TikTok và ByteDance.

Ngoài phát ngôn của Zuckerberg, bản thân Facebook còn lập một nhóm vận động có tên American Edge, bắt đầu chạy quảng cáo ca ngợi các công ty Mỹ vì đóng góp cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và ảnh hưởng văn hóa. Nhìn chung, nửa đầu năm nay, Facebook vận động hành lang nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, theo dữ liệu từ Trung tâm chính trị phản hồi. Ngược lại, năm 2018, mạng xã hội lớn nhất thế giới chỉ xếp thứ 8.

Rất khó để xác định chính xác bình luận của Zuckerberg đóng vai trò thế nào trong cách chính phủ Mỹ “xử” TikTok. Khi được hỏi về bữa tối đặc biệt, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết chính phủ cam kết bảo vệ mọi người dân Mỹ khỏi những nguy cơ mạng liên quan tới hạ tầng quan trọng, y tế công cộng, kinh tế và an ninh quốc gia. Andy Stone, phát ngôn viên Facebook, phủ nhận Zuckerberg bàn bạc về TikTok tại bữa tối đó.

Dù vậy, theo BuzzFeed, trong cuộc họp nhân viên tháng này, Zuckerberg tỏ ra lo lắng trước sắc lệnh nhằm vào TikTok của chính phủ Mỹ vì có thể mang đến hậu quả cho Facebook.

TikTok có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, là nguy cơ lớn nhất với Facebook trên thị trường mạng xã hội. TikTok là hiện tượng toàn cầu nhờ vào các video ngắn, đầy sức hút kết hợp với âm nhạc và vũ điệu. Quý I/2020, TikTok là ứng dụng được tải về nhiều nhất, theo Sensor Tower. Ngược lại, Facebook có 256 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ và Canada tính tới cuối tháng 6.

Brian Wieser, Chủ tịch Nghiên cứu doanh nghiệp toàn cầu tại GroupM, nhận định TikTok đã vươn lên thành “một thứ gì đó” từ chỗ "không có gì cả" tại các thị trường phương Tây lớn chỉ trong vòng 2 năm. Dù Facebook từng mua lại các startup như TikTok để ngăn cản cạnh tranh, nhưng sự giám sát từ nhà chức trách khiến những thương vụ như vậy trở nên khó thực hiện hơn. Do đó, họ phải tìm đến biện pháp phòng vệ khác, theo Wieser.

Instagram, ứng dụng ảnh của Facebook, vừa ra mắt tính năng chia sẻ video Reels giống với TikTok. Họ cũng chiêu mộ các tác giả TikTok bằng cách trả tiền nếu đăng video độc quyền lên dịch vụ mới. Trong khi đó, số phận của TikTok vẫn lơ lửng. Microsoft cho biết đang đàm phán mua TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Ít nhất hai doanh nghiệp khác, Twitter và Oracle, cũng có ý định tương tự. Rất có thể TikTok sẽ về tay một trong các công ty này và ngay lập tức biến người mua thành kình địch của Facebook.

Zuckerberg chính là thủ phạm đốt nhà TikTok? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump gặp Zuckerberg hôm 20/9/2019 tại Phòng Bầu Dục. Ảnh: Twitter


Theo nguồn tin, chiến dịch vận động của Facebook đã khiến người của TikTok nổi giận. Tháng trước, CEO Kevin Mayer công khai cáo buộc Facebook cố cạnh tranh không lành mạnh. “Tại TikTok, chúng tôi chào đón cạnh tranh. Song hãy tập trung năng lượng vào cạnh tranh cởi mở và công bằng trong dịch vụ với người dùng thay vì tấn công bẩn đối thủ - cụ thể là Facebook – ngụy trang dưới vỏ bọc chủ nghĩa yêu nước và muốn chấm hết mọi sự hiện diện của chúng tôi tại Mỹ”.


Zuckerberg cho thấy lập trường về Trung Quốc của ông đã thay đổi. Năm 2010, CEO Facebook bắt đầu học tiếng Trung và cũng tổ chức một số chuyến thăm tới Trung Quốc hòng tìm đường quay lại thị trường đông dân nhất thế giới, nơi Facebook bị cấm từ năm 2009. Nỗ lực này khiến Zuckerberg khá nổi tiếng tại Trung Quốc nhưng công chúng đã quay lưng lại vì các phát ngôn gần đây của người đứng đầu Facebook. Đặc biệt, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 7, ông khẳng định “có tài liệu chỉ ra Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ doanh nghiệp Mỹ”.

Thời báo Hoàn Cầu tuần này có bài bình luận về Zuckerberg. Tờ báo có đoạn, trước đây Zuckerberg từng được người Trung Quốc xem là “con rể nhân dân” nhưng các hành động gần đây gợi ý anh ta sẵn sàng “dẹp đạo đức sang một bên vì lợi nhuận”.

Zuckerberg đã dự đoán được thành công của TikTok. Khi ứng dụng tiền thân Musical.ly của TikTok bắt đầu phổ biến trong giới trẻ Mỹ từ năm 2017, Facebook được cho là cố gắng mua nó. Tuy nhiên, ByteDance nẫng tay trên và mua lại Musical.ly, sau đó đổi tên thành TikTok.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10, Zuckerberg mô tả TikTok là xung đột với giá trị Mỹ: “Trên TikTok, ứng dụng Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng khắp thế giới, họ kiểm duyệt khi nhắc tới các cuộc biểu tình, kể cả tại Mỹ. Đây có phải là Internet mà chúng ta muốn”, CEO Facebook đặt câu hỏi.

Vài ngày sau, Zuckerberg một lần nữa lặp lại lo ngại về Trung Quốc trong bữa tối tại Nhà Trắng với ông Trump, con rể Tổng thống Jared Kushner cùng thành viên Ban quản trị Facebook Peter Thiel. Nhóm của Zuckerberg còn tiếp cận các thành viên Quốc hội, những người có lập trường cứng rắn về Trung Quốc, theo Thời báo Phố Wall. Ông hỏi họ vì sao TikTok được phép hoạt động tại Mỹ trong khi nhiều công ty Mỹ, gồm cả Facebook, lại không được hoạt động tại Trung Quốc.

Tháng 11/2019, Thượng nghị sỹ Josh Hawley, người đã gặp Zuckerberg hồi tháng 9, phát biểu trong phiên điều trần rằng TikTok đe dọa quyền riêng tư của trẻ em Mỹ. “Với Facebook, nỗi sợ là mất thị phần mạng xã hội. Với phần lớn chúng ta, nỗi sợ là thứ gì đó khác”.

Keli Ford, người phát ngôn của ông Hawely, cho biết mối lo ngại của Thượng nghị sỹ về TikTok có trước cuộc họp với Zuckerberg. “Gần đây, Facebook mới báo động về công nghệ Trung Quốc như chiêu PR nhằm củng cố uy tín riêng”, bà nói.

Facebook từ chối bình luận về điều này.


Theo Du Lam

ICT News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên