MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại toàn cầu, tương lai nào cho nền kinh tế thế giới?

Trong một cuộc hội thảo quốc tế diễn ra cuối tuần trước, các chuyên gia đã phân tích về những rủi ro của cuộc chiến lương mại toàn cầu, đặc biệt là sự đối đầu của Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Jack P. Suyderhoud, Đại học Hawaii và chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan là hai diễn giả chính của Hội thảo do Phòng Thương mại châu Âu EuroCham và Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Cấp cao của Đại học Hawaii tại Hà Nội (VEMBA) đồng tổ chức. Hai chuyên gia đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh quyết định áp thuế và những tác động của nó đối với thương mại toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Chiến tranh thương mại toàn cầu, tương lai nào cho nền kinh tế thế giới? - Ảnh 1.

GS Jack P. Suyderhoud, Đại học Hawaii

Điểm qua về tình hình kinh tế Mỹ, sau khi nhìn lại những đợt suy thoái từ năm 1950 đến nay, GS Jack P. Suyderhoud đã tổng kết 4 nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, đó là bong bóng kinh tế đổ vỡ, vay nợ quá mức, sự tích lũy hàng tồn kho và các tính toán sai lầm trong chính sách tài khóa, tiền tệ hay thương mại. 

Trong đó, ông nhấn mạnh thời gian qua, Hoa Kỳ đang tồn tại nhiều xung đột trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Thứ nhất, đó là xung đột giữa chính sách tài khóa mở rộng (giảm thuế để phục hồi kinh tế, hy sinh thâm hụt ngân sách) và chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt (FED liên tục tăng lãi suất do kỳ vọng lạc quan về lạm phát). Xung đột thứ hai là chính sách gia tăng bảo hộ với mục đích giảm thâm hụt thương mại, trong khi chính sách tài khóa mở rộng lại là một trong những nguyên nhân làm tăng thâm hụt tải khoản vãng lai. 

"Dường như hiện nay xu hướng bảo hộ thương mại đang lộ rõ ở Mỹ", GS Jack nói, "Nếu điều này xảy ra thì sẽ vấp phải sự phản đối của những đối tượng được hưởng lợi từ tự do thương mại". Mỹ sẽ không thể chỉ biết có mình, bởi trong thương mại và kinh doanh nói chung, nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi" (win-win) là nền tảng rất quan trọng.

Chiến tranh thương mại toàn cầu, tương lai nào cho nền kinh tế thế giới? - Ảnh 2.

Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ của Mỹ thời gian qua

Một trong những lí do Nhà Trắng đưa ra khi áp thuế nhập khẩu lần này là để bảo vệ ngành công nghiệp thép, bởi giá thép Mỹ hiện nay thuộc hàng cao nhất thế giới và ông Trump cho rằng các nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã xuất khẩu thép với giá rất rẻ khiến cho các doanh nghiệp Mỹ không thể cạnh tranh. 

Tuy nhiên, theo GS Jack, trích xuất dữ liệu từ báo cáo của OECD cho thấy, công suất sản xuất thép hiện nay của toàn thế giới nói chung đang rất cao và ngày càng có xu hướng gia tăng, trong khi nhu cầu thép thực tế lại thấp hơn nhiều. Đó là lí do khiến cung vượt quá cầu và giá thép thấp là điều không hề ngạc nhiên.

Trong khi xu hướng bảo hộ tại Mỹ đang ngày càng lớn thì, theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, sự liên kết, tự do thương mại vẫn đang được thúc đẩy trên toàn cầu, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện đâu đó những đòn đáp trả đối với các hành động gần đây của Tổng thống Donald Trump. 

Năm ngoái, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Nhật Bản đã hoàn tất đàm phán. EU và ASEAN cũng đã nhất trí khôi phục lại đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại chung. Hay EU và Mexico cũng đã kết thúc vòng đàm phán thứ 9 để tiến tới một hiệp định FTA giữa hai bên.

Một đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc hôm 21/2 đã ký FTA với 5 quốc gia khu vực Trung Mỹ, bao gồm Costa Rica, El Salvador, Honduras, Nicaragua và Panama. 44 quốc gia châu Phi cũng đã chính thức ký thỏa thuận về thiết lập Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA) hôm 21/3 vừa qua. 

Đặc biệt là sự ra đời mới đây của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay một TPP không có Mỹ. "CPTPP đang ngày càng có sức hấp dẫn với các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Indonexia, Philippines, Thái Lan, thậm chí cả Anh Quốc", bà Phạm Chi Lan nói.

Chiến tranh thương mại toàn cầu, tương lai nào cho nền kinh tế thế giới? - Ảnh 3.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan

Nhiều quốc gia cũng đã bày tỏ ý định sẽ "trả đũa" hành động tăng thuế của ông Trump. Theo nhà báo Ana Swanson (NY Times), những mặt hàng rất dễ trở thành đối tượng tấn công chính nhằm vào Mỹ là rượu Kentucky Bourbon, quần jeans và xe máy Harley-Davidson. Canada, Trung Quốc và EU đã tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng với hàng rào thuế đánh vào các mặt hàng từ Mỹ, dự kiến có thể gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền xuất khẩu của Hoa Kỳ. 

Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn đang tiến hành thương lượng lại với Mỹ về chính sách thương mại mới, tuy nhiên, "nếu Mỹ vẫn cố gắng gây dựng các thỏa thuận và điều khoản khác biệt, với nhiều đối tác khác nhau, thì sẽ càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp và rắc rối hơn", chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Về nguy cơ tiềm ẩn cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bà Lan cho rằng, Trung Quốc là một trường hợp rất đặc biệt, bởi thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc gia tăng liên tục qua các năm. Năm 2017, mức thâm hụt này lên tới con số 375 tỷ USD. 

Các nhà đầu tư Mỹ đã và đang bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư tại Trung Quốc, ước tính mức thiệt hại do bị đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ khoảng 200 tỷ USD. Nhiều nhận định cho rằng, mục đích chính của hàng rào thuế quan Mỹ dựng nên chủ yếu nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Hành động tiếp theo của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ ra sao trong tương lai là điều khó dự đoán, tuy nhiên, theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, các phản ứng từ phía Trung Quốc có thể đoán trước được. Thời điểm năm 2009, khi Mỹ áp thuế 35% đối với lốp ô tô radial nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay lập tức, nước này đã "trả đũa" vào thịt gà và ô tô nhập khẩu từ Mỹ. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể sẽ đáp trả bằng các lệnh trừng phạt đối với máy bay Boeing, thịt bò hay sữa đậu nành của Mỹ. "Trung Quốc cũng có thể sẽ hạn chế công dân của mình đi du lịch tới Mỹ, như đã từng thực hiện đối với Hàn Quốc trước đây", bà Lan phân tích, "Trung Quốc sẵn sàng phản ứng với bất kỳ nước nào một khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng".

Có thể thấy, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Mỹ đều sẽ chịu những tác động xấu từ các chính sách gần đây của ông Trump. Không chỉ với hàng rào thuế quan, hành động cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% của Mỹ cũng đã gây ra nhiều lo ngại với các nước. 

Phát biểu trước Hội thảo, bà Lan cho rằng: "Tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc … đều có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lớn hơn Mỹ. Do đó, rất có thể các nhà đầu tư sẽ chuyển dần dòng vốn từ các nước này sang Hoa Kỳ, ước tính khoảng 2.000 tỷ USD vốn đầu tư sẽ được đổ vào Mỹ trong nhiều năm tới đây thay vì vào các quốc gia trên".

Chiến tranh thương mại toàn cầu, tương lai nào cho nền kinh tế thế giới? - Ảnh 4.

Dự báo tác động của các chính sách của ông Trump đến một số đối tác thương mại lớn của Mỹ

Về phía Mỹ, Thượng nghị sĩ John Cornyn cũng đã bày tỏ sự quan ngại về thiệt hại đối với ngành nông nghiệp Mỹ một khi quyết định áp thuế bị các nước trả đũa. Và nhiều hậu quả khó lường khác mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt. Từ đó, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định rằng: "Một cuộc chiến thương mại sẽ chẳng đem lại lợi cho bất kỳ bên nào, kể cả Mỹ. Mỹ không thể nào phát triển chỉ vì lợi ích của riêng mình mà đứng ngoài hệ thống thương mại toàn cầu!".

Cao Cường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên