MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê giảm?

20-02-2016 - 07:44 AM | Thị trường

Theo Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Chi Lê giảm đáng kể khi bị cạnh tranh từ các thị trường Paraguay, Argentina, Uruguay.

Trong các nước Mỹ La tinh, Chi Lê là nước đầu tiên Việt Nam có hiệp định thương mại tự do song phương. Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ La tinh, tạo “đòn bẩy” để xuất khẩu sang Mexico, Peru... tăng trưởng.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Chi Lê, đạt 1,4 triệu USD, theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo lại suy giảm nghiêm trọng trong năm 2015.

Nguyên nhân được ông Trần Đình Văn, Tham tán thương mại Chi Lê chỉ ra là do gạo Việt Nam bị cạnh tranh bởi gạo của Paraguay, Argentina, Uruguay.

“Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp hỏi tôi rằng tại sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê bị sụt giảm, có phải do họ không tin tưởng chất lượng gạo của Việt Nam? Tuy nhiên, sự cạnh tranh này không phải xuất phát từ việc gạo Việt Nam không đạt chất lượng mà là do điều kiện vận chuyển của các nước này nhanh hơn, chỉ sáng đi tối về”, ông Văn giải thích.

Nếu cứ giữ mức giá như cũ thì Việt Nam khó có thể bán gạo sang thị trường Chi Lê cũng như các nước trong khu vực Mỹ La tinh. Do vậy, ông Văn cho rằng, để giữ được thị trường, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng doanh nghiệp cần phải tính đến vấn đề giá cả.

Trong khi xuất khẩu gạo giảm thì mặt hàng vôi và xi măng lại là lợi thế của Việt Nam bởi mặt hàng này hầu như không bị cạnh tranh nhiều, đồng thời thuế xuất khẩu sang Chi Lê thấp khoảng 5%, tiến tới sẽ về 0%.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt trên 250 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê đạt 203 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí xuất siêu, chấm dứt một giai đoàn dài nhập siêu từ Chi Lê.

Như vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chi Lê (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) đã tạo ra bước đột phá cho hàng hoá của Việt Nam thâm nhập không chỉ thị trường Chi Lê mà còn lan toả ra cả khu vực Mỹ Latinh cũng như hàng hoá Chi Lê thâm nhập thị trường Việt Nam và ASEAN.

"Với FTA Việt Nam- Chi Lê, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Chi Lê như đồng nguyên liệu, phân bón...”, ông Văn cho hay.

Theo Phan Thu

Báo Hải Quan

Trở lên trên