MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Tiến Lộc: "Làm thế nào để hàng triệu công chức hành động như Thủ tướng là thách thức lớn"

Xây dựng Chính phủ kiến tạo với những hành động quyết liệt là những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang làm. Song để truyền sức nóng ấy xuống bộ ngành, địa phương và từng công chức, sẽ là thách thức lớn.

TS. Vũ Tiến Lộc
TS. Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
15 bài viết

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Đại biểu QH tỉnh Thái Bình, đánh giá, những hành động cụ thể của Thủ tướng như chỉ đạo xử lý vụ việc tại quán Cà phê Xin chào, đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn Luật đầu tư, Luật DN, xóa bỏ giấy phép con... có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin DN.

Ông nhìn nhận như thế nào về điều hành của Thủ tướng trong thời gian qua?

Các chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sức nóng trong điều hành, như người truyền lửa cho công cuộc cải cách. Tôi hy vọng sức nóng đó sẽ xuyên suốt hành trình của nhiệm kỳ Chính phủ mới, truyền lửa cho cả hệ thống.

Chúng ta cũng hiểu là làm thế nào để quyết tâm, tầm nhìn, sức nóng đó có thể chuyển tải đến từng cán bộ công chức cấp cơ sở không dễ. Đây là thách thức lớn nhất khi mà chúng ta chưa thành công trong việc chuyển ngọn lửa từ người đứng đầu Chính phủ xuống đến từng cán bộ.

Ba tháng là quá ngắn để sức nóng đó có thể đến được cơ sở, nhưng rõ ràng phải có sự chuyển động đồng bộ hơn. Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp và có những hành động quyết liệt thúc đẩy cải cách, chuyển thành hành động và làm thế nào hàng triệu công chức cũng thấm nhuần, hành động như Thủ tướng đã hành động là thách thức lớn.

Ông ấn tượng nhất điều gì trong điều hành của người đứng đầu Chính phủ mới?

Một số tư duy đổi mới đã có từ nhiệm kỳ trước, như Chính phủ kiến tạo thì năm 2014 nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thúc đẩy dân chủ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo…. Nhưng Chính phủ nhiệm kỳ mới gần đây đã chuyển thông điệp đó thành hành động, cố gắng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Đặc trưng quan trọng của Chính phủ mới đó là Chính phủ hành động, sự kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ, từ trong phòng họp đến chỉ đạo, giải quyết những vấn đề cụ thể… Ví dụ khi làm nghị định hướng dẫn Luật đầu tư, Luật DN, nhiều bộ ngành nghĩ trong thời gian ngắn thì không thể làm được, nhưng Thủ tướng yêu cầu không "bàn lùi", dứt khoát phải làm.

Vai trò của các DN, tổ chức cũng được đề cao hơn, coi trọng lắng nghe các tổ chức DN để đưa ra hành động phù hợp, đem lại niềm tin cho DN và người dân. Tất nhiên, sự chuyển biến ở cơ sở còn chậm và chưa thể có đột phá ngay, nhưng với hành động của Thủ tướng, DN có niềm tin là sức nóng đó, việc gắn lời nói, việc làm sẽ được chuyển xuống cơ sở.

Việc truyền lửa xuống hệ thống, không phải ai cũng tự giác. Vậy theo ông điều mà người đứng đầu Chính phủ phải làm là gì?

Quan trọng là phải có thể chế, chừng nào còn cơ chế xin cho, không minh bạch thì không thể nâng cao được trách nhiệm và hiệu suất của bộ máy, bởi không thể kêu gọi, hô hào. Thể chế xin cho là nguồn gốc của tất cả, nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực, tình trạng vô trách nhiệm.

Chính phủ đã rất đúng khi đặt trọng tâm là cải cách thể chế. Nhiệm vụ trung tâm của các bộ, ngành và Chính phủ là cải cách thể chế, xây dựng thể chế và khi có minh bạch, không còn cơ chế xin cho, mọi người hành động theo pháp luật, thì lúc đó, tự khắc, công chúng, cơ quan Nhà nước phải nâng cao trách nhiệm giải trình, sẽ có bộ máy chuyên nghiệp và đầy đủ trách nhiệm.

Như Tổng Bí thư đã chỉ đạo, hoàn thiện cơ bản thế chế kinh tế thị trường trong 5 năm tới. Theo đó, phải thoát ra khỏi cơ quan quản lý như kiểu các bộ chuyên ngành hiện nay, quản lý vĩ mô thì phải thoát ra khỏi quản lý kinh doanh.

Hai là phải thoát ra khỏi dịch vụ công, chuyển giao cho xã hội và thị trường. Nhà nước đừng ôm đồm làm thay. Đã có bước tiến ban đầu trong cải cách hành chính, nhưng trong việc chuyển giao các dịch vụ công thì làm chưa tốt, dẫn đến phát sinh tham nhũng, làm cho bộ máy không tập trung vào chức năng chính của mình là xây dựng thể chế và đảm bảo cho thể chế vận hành minh bạch, hiệu quả.

Do đó, giải phóng sức Nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh, ra khỏi dịch vụ công là điều rất quan trọng để có thể tinh giản bộ máy, kèm theo nâng cao đời sống và đảm bảo điều kiện làm việc đàng hoàng cho đội ngũ công chức. Khi đó, với môi trường minh bạch, không còn cơ chế xin cho sẽ có đội ngũ công chức chuẩn mực, vì dân.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên